Việt kiều được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam

Việt Nam sửa luật, cho phép Việt kiều sở hữu bất động sản

Ngày 15/2, VOA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam sửa luật, cho phép Việt kiều sở hữu bất động sản”.

Theo đó, kể từ đầu năm 2025, người Việt ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam, như công dân trong nước, theo Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội Việt Nam thông qua gần đây. Điều này sẽ giúp dẹp bỏ tình trạng Việt kiều “lách luật”, bằng cách nhờ người trong nước đứng tên sở hữu nhà, đất, dẫn đến nhiều tranh chấp phức tạp và rắc rối pháp lý về sau.

VOA dẫn báo Thanh Niên, theo đó, Luật Đất đai mới sửa đổi, người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (tức người còn giữ quốc tịch Việt Nam), sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở, như công dân trong nước.

Còn người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, thì được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này), và nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.

Ngoài ra, VOA cho biết, Việt kiều cũng sẽ được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản, để chuyển nhượng và cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật.

Theo VOA, việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ ba luật, bao gồm Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người Việt ở nước ngoài, trong việc đầu tư vào bất động sản.

Rõ ràng, đây là một biện pháp tốt để phá băng bất động sản, phần nào đó giúp cho nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam cần nhất quán, đừng để sau khi Việt kiều trở về mua nhà đất, thì lại thay đổi luật, nẫng tay trên tài sản của họ, như trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình – Việt kiều Hà Lan.

VOA dẫn số liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho hay, hiện có khoảng 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là ở các nước phát triển. Riêng Sài Gòn, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước. Năm ngoái, lượng kiều hối mà thành phố này nhận được đạt gần 9,5 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – chỉ đạt 3,4 tỉ USD, và tương đương với gần 50% tổng thu ngân sách của thành phố.

Vẫn theo VOA, kể từ năm 2012, Việt Nam liên tục nhận được lượng kiều hối vượt quá 10 tỷ USD mỗi năm, và tăng đều từ 7 – 10% qua các năm, trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Khoảng 1/4 số tiền này được đầu tư vào bất động sản.

Riêng trong năm ngoái, 16 tỷ USD kiều hối đã chảy vào Việt Nam. Dự báo năm 2024, lượng kiều hối sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.

VOA dẫn lại lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, được VnExpress tường thuật hôm 2/2, nói, kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối của Việt Nam, và lượng tiền này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực lên tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá – lãi suất và lạm phát.

Dòng kiều hối này từ lâu đã là nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng cho Việt Nam.

VOA dẫn Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, cho biết thêm, trong thời gian tới, lượng kiều hối sẽ ngày càng dồi dào, do cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông cả về số lượng cũng như địa bàn sinh sống.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023