“Trời đánh tránh bữa ăn”, ngày Tết Thủ Chính vẫn đánh sân sau của Tổng Trọng?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 7/2 một lần nữa đã xuất hiện trở lại, và có cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ngoài việc chúc Tết, một nội dung trọng tâm được Tổng Trọng nhấn mạnh và lưu tâm, đó là “tiếp tục chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đổi mới, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031”.

Điều vừa kể cho thấy, các phe cánh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, vì mải mê đấu đá tranh giành quyền lực, đã quên cả ăn Tết. Điều đó trái với tập tục truyền thống của người Việt, “Trời đánh còn tránh miếng ăn”.

Chuyện xe biển xanh gắn còi hụ của Chủ tịch Hội Phụ nữ Hà Tĩnh, được xem là một âm mưu chính trị tấn công vào phe Nghệ Tĩnh, một phe đang thắng thế trong cuộc đua nhân sự để thay thế cho chức vụ Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng.

Báo Tiền Phong ngày 4/2 đưa tin, “Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh”. Bản tin cho biết, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ tại các cơ quan kể trên.

Theo đó, thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định. Đồng thời, khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Giới thạo tin đánh giá, việc thanh tra đối với ba đơn vị kể trên, đều là những cơ sở hậu thuẫn cho phe Nghệ Tĩnh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong suốt một thời gian dài. Điều đó cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phe cánh đang có kế hoạch chặn đường đối với ứng viên Vương Đình Huệ.

Theo nhà báo Kiem Mai Ba, một người quan tâm và thường xuyên đưa ra các bình luận về chính sự Việt Nam, trong status, “ĐÓN XUÂN NÀY TIẾC XUÂN XƯA”, đã bình luận rằng:

“Ngày 4/2/2024 là ngày của Chúa, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn công bố Quyết định bắt đầu thanh tra tại: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 4/2 nhằm ngày 25 tháng Chạp, là thời khắc mà hai bộ và địa phương Quan họ đang rộn ràng đón xuân Giáp Thìn, được nghỉ 7 ngày tính từ 8/2 (29 Tết). Chỉ còn 4 ngày làm việc ngắn ngủi, mà Thanh tra Chính phủ vẫn mẫn cán vào cuộc. Thiệt là, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời!”

Việc Tổng Trọng đã bước sang tuổi 80, tuổi cao, sức yếu, phải nghỉ là điều chắc chắn. Nhất là tại phiên bế mạc của Hội nghị Trung ương 8, khóa 13, Tổng Trọng đã tuyên bố “rửa tay, gác kiếm”, để chuyển giao quyền lực người đứng đầu Đảng cho nhân vật kế nhiệm.

Một câu hỏi đặt ra là, “Ai sẽ thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, để trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng khóa 14 tới đây?”

Theo giới phân tích, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư hiện nay là bộ “tam mã”: Phạm Minh Chính – Vương Đình Huệ – Võ Văn Thưởng. Nhưng cũng xin đừng quên một con ngựa bất kham có tên là Tô Lâm.

Trong số 3 người vừa kể, theo đánh giá, ông Võ Văn Thưởng, được cho là có hội đủ nhiều yếu tố. Song ông Thưởng còn ít tuổi, kinh nghiệm cũng như uy tín chưa đủ “chín”. Còn Phạm Minh Chính hay Vương Đình Huệ, về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm có thể tạm chấp nhận. Nhưng nhược điểm của 2 ông này đều là uy tín chưa thực sự cao, và có điểm yếu trầm trọng, đó là vấn đề đạo đức, đều có quan hệ tình ái “ngoài luồng”.

Giới phân tích đánh giá, Tô Lâm là nhân vật duy nhất có quyền uy tuyệt đối trong Đảng, nếu so với các lãnh đạo chủ chốt của Đảng hiện nay.

Trong bài bình luận “Điều gì sẽ đến sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng”, của nhà phân tích chính trị Việt Nam Zachary Abuza, bàn về nhân sự kế nhiệm ghế Tổng Bí thư. Đối với ứng viên Phạm Minh Chính, ông Zachary Abuza cho rằng, “là người được hy vọng, ông Chính sẽ là trường hợp “đặc biệt” duy nhất ở lại Đại hội 14 tới đây”.

Nói về các lời đồn về mối quan hệ của ông Chính với bà Nhàn AIC, người đang bỏ trốn và bị kết án vắng mặt 30 năm tù, tác giả Zachari nhận xét, “những lời đồn này cũng có thể là do những đối thủ của ông Chính đưa ra”. Ông Zachary Abuza đánh giá: “Trong khi, khả năng ông Chính bị đẩy ra [khỏi cuộc chạy đua] có thể xảy ra, ông cũng rất có thể sẽ vẫn phục vụ hết nhiệm kỳ của mình”.

Trong khi đó, ông Tô Lâm với mục tiêu hạ uy tín của ông Chính trong cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư, đã liên tiếp xử lý các vụ án có các quan chức liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bởi bà Nhàn là nhân vật được cho có mối quan hệ trên mức tình cảm với Thủ tướng Chính.

Trong khi đó, ông Trọng không che dấu thái độ ủng hộ đối với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Do đó, ông Huệ rất có thể sẽ là nhân vật kế nhiệm cho chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14.

Kể cả việc, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội Việt Nam khóa 15, vào ngày 15/1, ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ xuất hiện, được cho là theo đề nghị của ông Vương Đình Huệ. Điều đó khẳng định, sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Trọng đối với Huệ Vương, là điều bất di bất dịch, không hề thay đổi./.

 

Trà My – Thoibao.de

9.2.2024

Kasse animation 7.8.2023