Xe xăng thất bại, VinFast tháo chạy sang xe điện, xe điện bại, VinFast chạy đi đâu?

Những ngày cuối năm này, báo chí miệt mài ca tụng Đảng và cũng không quên ca tụng “thành tích” của VinFast. Như là nhiệm vụ, tuyên giáo phục vụ cho Đảng sao thì cũng phục vụ cho Vin cũng như thế.

Cũng giống như Đảng Cộng sản, việc phê bình về những điều không tốt của Vin, là điều cấm kỵ ở Việt Nam. Ông Vượng thích được tuyên giáo tiêm cho chất gây ảo giác, hơn là muốn người khác “dội gáo nước lạnh” cho tỉnh mộng.

VinFast là một startup đình đám, là công ty đại chúng tại thị trường chứng khoán Mỹ, nên VinFast của ông Vượng cũng được các hãng tin quốc tế chú ý. Tuy nhiên, ngược hoàn toàn với báo chí trong nước, báo chí quốc tế toàn viết những nhận xét tiêu cực về VinFast. Trong nước thì đưa VinFast “lên mây”, còn quốc tế thì lại “dìm” VinFast xuống đáy.

Vậy đâu mới là sự thật?

Ngày 30/1, tờ báo Jalopnik của Mỹ đăng một bài với tựa đề “VinFast đã chấp nhận số phận, đưa ra hợp đồng thuê rẻ nhất nước Mỹ”. Nội dung cho biết:

“VinFast, hãng sản xuất ô tô nhỏ của Việt Nam, phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường ô tô Mỹ. Một cái tên vô danh với những đánh giá sản phẩm kém chất lượng, và mang tiếng là hay đưa những người chỉ trích vào tù, không phải là điềm báo tốt cho doanh thu. Bằng cách đưa ra “giá thuê rẻ nhất trên thị trường”’.

Năm 2022, 4 năm sau khi VinFast tung xe xăng ra thị trường Việt Nam, thì ông Phạm Nhật Vượng cho khai tử xe xăng, chuyển hoàn toàn sang xe điện. Tuy lúc đó, báo chí trong nước vẫn luôn tung hô về tăng trưởng của VinFast, nhưng việc ông Phạm Nhật Vượng cho khai tử xe xăng đã nói lên tất cả – mảng xe xăng của VinFast đã không thể trụ nổi trên thị trường. Bởi không ai lại đi khai tử một mảng kinh doanh đang sinh lợi cho mình.

Việc chuyển hoàn toàn sang xe điện, giờ đây nhìn lại mới rõ, ông Vượng đã thất bại ở mảng xe xăng, nên chạy trốn sang mảng xe điện, với hy vọng, xe điện là xu hướng tương lai, thị trường mới hình thành nên dễ khai phá.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhất là sau khi VinFast ra mắt thị trường chứng khoán Mỹ, thì đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bởi VinFast không thể huy động vốn, cũng như không bán được ô tô điện.

VinFast đã phát triển quá chậm trên đất Mỹ, và gần như không thể cạnh tranh với các hãng xe điện của Mỹ (gồm Tesla, Lucid, Ford). Còn bên ngoài nước Mỹ, VinFast cũng đang phải đối mặt với các đối thủ sừng sỏ đến từ Trung Quốc, như BYD, SAIC, XPENG.

Đấy là chưa kể đến những ông lớn ô tô xăng, đang sản xuất song song cả xe xăng lẫn xe điện, như Toyota, Hyundai, Kia, hay các hãng xe sang Mercedes, Audi, BMW hay Porsche đều có các mẫu EV.

Như vậy, ở mọi phân khúc của EV, từ trung đến cao cấp, đều đã có những tên tuổi lớn tham gia. Gần như, mọi phân khúc đều có chủ. Không rõ VinFast tự định dạng ở phân khúc nào, và làm sao chen chân, khi mà ông Vượng vừa non trẻ, vừa thiếu công nghệ lõi, vừa đi sau đối thủ.

Thị trường ô tô điện trên thế giới không phát triển nhanh như người ta tưởng. Thế giới vẫn đang chuộng xe xăng hơn xe điện, vì sự tiện dụng của loại xe này, và hạ tầng cung cấp năng lượng cho loại xe này cũng đã hoàn chỉnh. Một số nghiên cứu cho biết, một lượng không nhỏ người dùng, từng sở hữu xe điện, nay lại quay trở về với xe xăng. Lượng người dùng xe điện mới không nhiều, trong khi, lượng người dùng xe xăng quay sang dùng xe điện cũng gần con số đó, làm cho thị trường xe điện như bão hòa.

Tình hình chung cho xe điện không khả quan mấy, ít nhất là trong vòng 5 năm tới. Ngay cả ông lớn như Toyota cũng đang rất thận trọng với mảng xe điện, họ chưa đặt trọng tâm vào mảng này. Khi thị trường xe điện bão hòa, điều tất yếu là các startup xe điện sẽ khốn đốn. Những kẻ yếu sẽ gục ngã. Đấy là tin xấu cho VinFast.

Khi xe xăng thất bại, VinFast tháo chạy qua xe điện. Không biết, khi xe điện thất bại, thì VinFast tháo chạy đi đâu? Đó là câu hỏi sẽ được trả lời trong tương lai gần.

Trà My – Thoibao.de

5.2.2024

Kasse animation 7.8.2023