Xử phạt nồng độ cồn trên mức 0% làm khó người dân

Ngày 31/1, RFA Tiếng Việt có bài “Tăng cường xử phạt nồng độ cồn tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các công ty bia rượu năm 2023”.

RFA cho biết, lực lượng Cảnh sát Giao thông trong năm qua tăng cường xử phạt triệt để các tài xế có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các hãng kinh doanh bia rượu hay các quán nhậu, bên cạnh sự thắt chặt chi tiêu của người dân.

RFA dẫn lời một người lao động tự do ở Sài Gòn, cho rằng, uống một – hai ly bia không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, nhất là trong nội đô với tốc độ thấp.

Tôi nghĩ, phải có cái biện pháp gì đó để kiểm tra sự tỉnh táo của người lái xe. Ví dụ như, sau khi bắt thổi vào máy đo nồng độ cồn, nếu thấy cao thì cho đi 10 bước theo đường thẳng hoặc dích dắc mà không bị té, hoặc cho cầm tay lái chạy một vòng, mà vẫn thấy bình thường, thì không nên phạt vì họ đủ khả năng điều khiển xe.”

RFA dẫn thông tin từ báo cáo tài chính năm 2023, của một số công ty sản xuất rượu bia, cho thấy, tất cả các công ty này đều bị giảm sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận cũng giảm.

Theo quan sát của người đàn ông kể trên, các quán nhậu ở khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) và hai bên bờ kè đường Trường Sa – Hoàng Sa, kéo dài từ quận Bình Thạnh đến quận 1, trước kia tấp nập khách hàng bất kẻ giờ giấc, nhưng gần đây rất vắng khách và nhiều chủ quán đã phải đóng cửa, sang mặt bằng.

Việc Cảnh sát Giao thông đóng chốt gần các quán nhậu này để kiểm tra nồng độ cồn của thực khách sau khi rời quán nhậu, là nguyên nhân chính gây ra cảnh đìu hiu của các nhà hàng” – ông khẳng định.

Theo RFA, Quốc hội Việt Nam trong tháng 11/2023 đã bàn thảo về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều 8 của dự luật này nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Quang Vinh, một sỹ quan quân đội đã về hưu ở Hà Nội, cho rằng:

“Quá đáng ở quy định nồng độ cồn của người lái xe phải bằng 0. Thậm chí, tôi từng biết, có cậu tài xế sáng ra không rượu bia gì, chỉ vì ăn bát bún riêu có dấm, bỗng bị kiểm tra nồng độ cồn, cũng mắc, thế là bị phạt và giữ bằng lái.

Như vậy là làm khó người dân khi tham gia giao thông rồi. Phải nói Nghị định 100 là rất ‘mất dạy’ và không phù hợp.”

RFA dẫn lời kỹ sư Hoàng Cường, thành viên No-U FC, sinh sống ở Hà Nội, cũng phản đối một cách gay gắt:

Tôi ủng hộ việc hạn chế uống rượu bia khi lái xe, nhưng tôi phản đối kịch liệt việc chỉ cần một hàm lượng nhỏ cồn trong máu như vậy (thậm chí chỉ cần có thôi, tức là hàm lượng trên 0) là đã bị xử phạt với một mức phạt tàn bạo.

Bất kỳ điều luật nào của hiến pháp của một quốc gia được viết lên cũng hướng tới một xã hội tươi đẹp và văn minh chứ không kể đến nghị định (dưới luật pháp nhiều bậc). Bất kỳ điều luật nào viết lên mà không có nghiên cứu xã hội học, bị người dân phản đối đều là vi hiến. Mọi con người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình, mọi lúc – mọi nơi.”

Ông Nguyễn Quang Vinh thì cho rằng Việt Nam nên học các nước văn minh trong việc xử phạt người có nồng độ cồn trong máu. Các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ áp dụng “vùng xanh”, với mức phạt từ 0,05% (50 miligam/100 mililít máu), trong khi một số quốc gia khác quy định mức giới hạn cao hơn 0,08% (tương đương 80 miligam/100 mililít máu).

RFA cho biết thêm, Heineken – nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam – đã hạ dự báo doanh thu năm 2023.

“Chúng tôi gặp phải sự sụt giảm khá mạnh tại thị trường trọng điểm Việt Nam”, Giám đốc điều hành Dolf van den Brink cho truyền thông quốc tế biết.

 

Ý Nhi – thoibao.de

31.1.2024

Kasse animation 7.8.2023