Sau 30 năm chịu án oan, Viện Kiểm sát mới công khai xin lỗi

Ngày 31/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Bị khởi tố oan 30 năm trước, người dân mới được Viện Kiểm sát công khai xin lỗi”.

RFA dẫn tin từ truyền thông nhà nước cho hay, ông Nguyễn Văn Khẩn, sinh năm 1953, bị khởi tố oan 30 năm trước, vừa được Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai, vào ngày 31/1. Tháng 11/1994, ông Khẩn bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”, trong một vụ án liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất đai.

RFA cho biết, khi bị bắt giữ, ông Khẩn là Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Dương. Vào ngày 12/11/1991, ông Khẩn ký hợp đồng kinh tế với ông Đặng Kiến Cường, để chuyển nhượng 177.800m2 đất tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, có tổng trị giá 1.019 lượng vàng 96%, với sự chứng kiến của Phòng Công nghiệp, xây dựng huyện Bình Chánh.

Sau đó, ông Cường đã giao cho ông Khẩn 991 lượng vàng 96% để mua diện tích đất nêu trên của 25 hộ dân, và ông Khẩn đã trả cho hộ dân 800 lượng vàng, tương đương 123.116m2.

Tuy nhiên, theo RFA, vào ngày 2/10/1992, Uỷ ban Nhân dân huyện Bình Chánh có công văn không cho ông Khẩn và ông Cường chuyển nhượng, mua bán đất. Vào tháng 10/1994, ông Cường có đơn khiếu nại ông Khẩn lên Công an huyện Bình Chánh.

Một tháng sau, ông Khẩn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”, và bị giam oan 51 ngày.

Vẫn theo RFA, ngày  25/11/1995, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định hủy bỏ việc tạm giam, và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Khẩn. Đến tháng 11/1997, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Khẩn.

Việc phải chịu án oan sai là chuyện có thể xảy ra với bất kỳ người Việt nào gặp vận rủi. Chỉ cần search google thì có thể tìm được thông tin về hàng chục vụ án oan, với việc, người bị oan phải chịu hàm oan suốt hàng chục năm.

Một số vụ oan sai ít được công luận biết đến, có thể kể ra sau đây:

Vụ Trần Văn Thêm – người đã mang thân phận “tử tù” suốt hơn 40 năm.

Vụ việc xảy ra vào năm 1970, ông Thêm và em họ là ông Nguyễn Khắc Văn bị cướp ở tỉnh Vĩnh Phú. Ông Thêm bị đánh vào đầu còn ông Văn bị đánh chết. Công an cho rằng ông Thêm đã giết em họ để cướp của và tự gây thương tích. Sau đó, ông Thêm bị kết án tử hình, nhưng ông vẫn luôn kêu oan.

Đến năm 1975, hung thủ thật sự là ông Phùng Thanh Nhàn đầu thú, ông Thêm mới được tha tù. Tuy nhiên, đến năm 2016, Toà án Nhân dân Tối cao mới công bố ông bị oan sai, kéo dài 46 năm.

Vụ Trần Ngọc Chinh – Cụ ông chịu án oan gần 40 năm ở Vĩnh Phúc.

Năm 1980, một vụ án giết người xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc Vĩnh Phúc. Công an Vĩnh Phú khi đó đã khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm: ông Trần Ngọc Chinh; ông Trần Trung Thám; ông Khổng Văn Đệ và ông Nguyễn Đình Ký, đều trú tại xã Đồng Thịnh, để phục vụ điều tra. Sau đó, công an xác định ông Ký là thủ phạm và tuyên án chung thân. Ông Chinh, ông Thám, ông Đệ được đình chỉ điều tra và trả tự do vào năm 1882. Tuy nhiên, mãi đến năm 2019, chính quyền mới tổ chức xin lỗi công khai 3 ông, khiến cả 3 mang tiếng oan suốt gần 40 năm.

Bi kịch gia đình cụ bà Đặng Thị Nga – án oan giết chồng, giết cha.

Vào năm 1978, chồng bà Nga là ông Trịnh Huy Tùng bị chết dưới giếng của gia đình. Sau đó, 2 con của bà là Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (19 tuổi), cùng với bà bị Công an tỉnh Lai Châu cũ đến nhà đọc lệnh bắt do nghi vấn giết chồng, giết cha.

Sau quá trình kêu oan, năm 1992, mẹ con bà Nga đã được huỷ bỏ lệnh bắt giam. Đến năm 2007, Toà án Nhân dân Điện Biên đã chính thức xin lỗi sau 28 năm. Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của chồng bà vẫn còn là bí ẩn.

 

Quang Minh – thoibao.de

31.1.2024

Kasse animation 7.8.2023