Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên – Trò cười của đảng

Ngày 22/1, RFA Tiếng Việt có bài “Nhà giáo có cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp khi đã có bằng sư phạm?”

Theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây đưa ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

RFA dẫn truyền thông trong nước, tường thuật lời ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, lý giải, giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác.

RFA dẫn lời thầy giáo Ngọc Sơn, ở Sài Gòn, cho rằng:

“Nói chung, một khi người ta được đào tạo qua trường Cao đẳng sư phạm hay Đại học sư phạm, thì họ đã có đầy đủ chức năng dạy học. Bây giờ lại lập thêm một cái giấy phép con, thì mình thấy nó vô lý vô cùng. Điều cần thiết là loại tính Đảng ra khỏi môi trường giáo dục, thì tự khắc giáo dục sẽ tốt lên, cần gì phải cấp ba cái giấy phép con ngớ ngẩn.

RFA cho biết, tháng 9/2015, Bộ giáo dục Đào tạo đã ban hành một loạt thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học. Đầu tháng 2/2021, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành tiếp các thông tư số 01, 02, 03, 04, có hiệu lực ngày 20/3/2021, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập.

Theo truyền thông Nhà nước, từ khi các thông tư số 01, 02, 03, 04 ra đời, giáo viên cả nước phải tự bỏ tiền ra học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, với mức học phí khoảng 2,5 triệu đồng.

RFA dẫn quan điểm của Giáo sư Mạc Văn Trang, cho rằng:

“Người giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm theo mục tiêu đào tạo của Nhà nước. Họ ra trường, được nhận về trường để qua thời kỳ gọi là thực tập nghề nghiệp. Thế thì, hội đồng của trường đã chứng nhận họ đủ tiêu chuẩn để dạy học rồi, thì không cần giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa.

Trước đây là chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ; giờ thì chứng chỉ nghề nghiệp… bao nhiêu là giáo viên kêu ca. Học chẳng ra cái gì cả, tập trung vài ba buổi rồi nộp tiền thi. Mỗi chứng chỉ giáo viên mất vài triệu, xong về vứt xó. Đó là điều vô lý và làm khổ giáo viên. Họ làm tất cả chỉ vì tiền.

RFA cũng cho hay, tuy ông Vũ Minh Đức khẳng định là việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đơn giản và miễn phí, nhưng theo một số giáo viên mà RFA trao đổi, việc này chắc chắn sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội, với những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan; gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục.

RFA dẫn lời nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, nói:

“Thật là kỳ cục. Cái ông cán bộ văn phòng nào đó ngồi phòng lạnh nghĩ ra những cái giấy tờ, chứng chỉ hết sức quái đản. Giáo viên đã học chuyên ngành sư phạm là họ đã đủ tư cách để di dạy học. Mà họ đã đi dạy thì họ là những thầy cô giáo. Thế mà bây giờ có kẻ nghĩ ra thầy cô giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Thế thì các ngành nghề khác cũng phải có chứng nhận hết à?! Đây là điều vô lý.

RFA dẫn số liệu do Bộ Giáo dục đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, vào chiều 18/8/2023, theo đó, con số thiếu giáo viên của cả nước là hơn 118.000; và hơn 9.000 giáo viên bỏ nghề.

RFA cho biết thêm, ngày 22/1/2023, nhằm mùng Một Tết Quý Mão, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “chỉ mong đội ngũ nhà giáo có sức khỏe tốt, niềm tin, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục đổi mới bản thân, phương pháp, cách thức, phát huy sáng tạo của mình, để có năm học mới hoàn thành tốt trách nhiệm, một năm hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò”.

Hoàng Anh – thoibao.de

23.1.2024

Kasse animation 7.8.2023