Bao giờ vấn nạn tín dụng đen ở Việt Nam do Trung Quốc núp bóng mới chấm dứt?

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán hàng năm, tình trạng hoạt động của các tổ chức tín dụng đen được truyền thông nhà nước mô tả là rất sôi động, đặc biệt tại các khu chế xuất có nhiều nhà máy. Theo đó, nhân viên của các tổ chức tín dụng bất hợp pháp thường xuyên túc trực 24/24, để cho vay tiền nhanh, cho những công nhân cần tiền về quê ăn Tết.

Báo Lao Động ngày 20/1 đưa tin với tiêu đề, “Phải quét sạch tín dụng đen để lập trật tự xã hội, người dân sống an yên”.

Bản tin cho biết, người dân rất phấn khởi khi liên tục có nhiều tin, lực lượng công an khắp cả nước đã truy quét các băng nhóm tín dụng đen.

Theo đó, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vừa triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi suất lên tới 365%/năm. Trước đó, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá 24 băng nhóm, 64 đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen”…

Hệ thống tín dụng đen cho vay không có tài sản thế chấp, luôn đi liền với đòi nợ thuê, gây ra sự bất ổn trong xã hội. Côn đồ đòi nợ thuê không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ việc khủng bố tinh thần, ném đồ bẩn vào nhà, thậm chí sử dụng cả vũ lực. Việc đòi nợ thuê này đã xảy ra nhiều trường hợp đổ máu, gây thương tích, kể cả thiệt mạng.

Do đó, nhiều người túng thiếu, cần tiền chi tiêu, công nhân về quê ăn Tết… chỉ cần nghe lời dụ dỗ của các nhóm tín dụng đen là không có đường thoát. Nợ chồng nợ không bao giờ dứt, một khi đã dính vào bẫy của tín dụng đen, thì cả đời là con nợ.

Được biết, càng gần Tết, càng nhiều người lao động cần tiền, nên rất dễ dính vào cái bẫy tín dụng đen. Mặc dù mức lãi suất vay nóng rất cao, có thể lên đến 400 – 500%/1 năm, nhưng nhiều người lao động vẫn đành phải cắn răng, chấp nhận vay để về quê sum họp gia đình, hay gửi tiền quà cho thân nhân ở quê nhà trong dịp Tết.

Một số công nhân mà phóng viên thoibao.de có điều kiện tiếp xúc, cho biết, đây là tình trạng diễn ra hàng năm, và năm nay thì còn tệ hơn, khi cuộc sống khó khăn hơn, lương không tăng mà vật giá thì tăng cao.

Một nữ công nhân làm việc tại khu chế xuất ở tỉnh Bình Dương cho biết:

“Đa số công nhân chúng em đều mượn tiền “ăn trước, trả sau” cho dịp Tết. Phải mượn họ một khoản để chi dùng trong dịp Tết, rồi sau đó, sau Tết được lãnh tiền lương, tiền thưởng, rồi trả cho họ, nhưng phải trả với số tiền lời với tiền lãi cao.”

Được biết, trong những năm gần đây, một hình thức cho vay được gọi là “vay ngang hàng trực tuyến”, đã xuất hiện tại Việt Nam. Đây là hình thức, các doanh nghiệp thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối với bên cần vay tiền là người dân hay doanh nghiệp nhỏ, thông qua một trang web, hoặc nền tảng ứng dụng giao dịch, mà không qua ngân hàng.

Truyền thông Việt Nam cho biết, trong 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở Việt Nam, thì có tới 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giới chuyên gia kinh tế đánh giá:“đó là biến tướng của tín dụng đen, tức là loại cho vay lãi suất rất cao và lãi suất cắt cổ. Trên danh nghĩa, họ cho vay với lãi suất hạ, nhưng cộng tất cả các chi phí thì lãi suất có thể lên đến 400%, 500%, thậm chí 700%, 800%, trên cho 1 năm.”

Hình thức cho vay tín dụng kiểu ngang hàng này, có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu vay tiền nóng mà không có tài sản thế chấp. Chỉ cần có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện tháng mới nhất, gọi tới số điện thoại ở các cột điện trên vỉa hè, người có nhu cầu vay tiền có thể vay được tiền ngay lập tức, trong vòng 15 phút.

Năm 2019, một hãng tin quốc tế đã tìm hiểu về hình thức cho vay này tại Trung Quốc, cho biết, hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011, và rơi vào tình trạng không kiểm soát được vào năm 2015. Kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã kiểm soát và siết chặt các hoạt động này. Từ đó, các công ty Trung Quốc này đã đổ xô sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện, các ngân hàng có nhiều hình thức cho vay, như vay tín chấp, vay thế chấp, vay tiêu dùng, vay mua nhà, vay mua xe… Nhưng các ngân hàng đều yêu cầu người đi vay phải trình bày mục đích vay rõ ràng; phải chứng minh có thu nhập ổn định; phải có tài sản thế chấp… Chưa kể, thời gian xét duyệt có thể kéo dài.

Trong khi đó, đối với rất nhiều người lao động, những điều kiện mà ngân hàng đưa ra, họ không thể đáp ứng được. Trong khi, tiền chữa bệnh, tiền học phí, tiền thuê nhà… đều là những nhu cầu căn bản và cấp bách. Do vậy, họ không còn cách nào khác là phải nhờ vào tín dụng đen.

Số người có nhu cầu vay tiền không cần giấy tờ thế chấp ở Việt Nam, hiện nay rất đông. Họ sẵn sàng chấp nhận vay với mức lãi cao, để giải quyết khó khăn trước mắt. Nhưng lãi suất có thể cao đến mức, nếu không trả được, thì người đi vay chỉ còn cách bỏ trốn biệt xứ.

Công luận thấy rằng, công an cần phải ra tay để ngăn chặn và triệt phá các băng nhóm xã hội đen, mượn danh nghĩa tín dụng, nhưng thực chất là các tổ chức cho vay với lãi suất cắt cổ, khiến người vay bị dồn tới đường cùng. Đây là một nhu cầu rất bức thiết./.

Trà My – Thoibao.de

21.1.2024

Kasse animation 7.8.2023