Vì sao Công An và xe còi hụ sẽ gõ cửa nhà Trần T. Anh một ngày không xa?

Thêm một loạt quan chức cao cấp, gồm cả một cựu Phó Thủ tướng, phải đối diện với các hình thức kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam.

VietNamNet ngày 19/1 đưa tin với tiêu đề, “Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh”.

Bản tin cho biết, trong các ngày 10, 11 và 19/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 35, để đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016 – 2021, 2021 – 2026.

Những quan chức bị đề nghị kỷ luật, gồm: cựu phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; cựu Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ở cấp thứ trưởng, bị đề nghị kỷ luật có 2 ông Đỗ Thắng Hải, và Hoàng Quốc Vượng.

Cả 5 lãnh đạo kể trên và Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương, bị cáo buộc “đã có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trong việc điều hành quản lý điện năng, hoạt động kinh doanh xăng, dầu và cả trong việc tổ chức đấu thầu, phê duyệt, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện”.

Trong cơ chế chính trị Việt Nam hiện nay, khi các quan chức lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quản lý có sai phạm khuyết điểm trầm trọng, thì họ phải chịu kỷ luật của Đảng trước, sau đó mới bị xem xét xử lý hình sự, nếu có.

Theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, các hình thức kỷ luật đối với đảng viên, theo thứ tự từ nhẹ đến nặng như sau: khiển trách, cảnh cáo, cách chức trong Đảng và khai trừ Đảng.

Những quan chức cấp cao, bao gồm bộ trưởng, thứ trưởng, hay kể cả uỷ viên Bộ Chính trị, nếu bị kỷ luật “cách chức” và “khai trừ”, thì sau đó sẽ bị khởi tố và bắt giam.

Đáng chú ý, giới quan sát nhận xét, tại sao việc ông Trần Tuấn Anh bị đề nghị kỷ luật, lại được giật tittle trên hầu hết các báo trong nước. Điều đó có liên quan gì tới những đồn đoán cho rằng, ông Trần Tuấn Anh sắp bị khởi tố, bắt giam (!?).

Song, không ít ý kiên cho rằng, Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương, người giữ chức Chủ tịch nước từ năm 1997 đến năm 2006. Mà từ trước tới nay, chưa từng có tiền lệ “bắt con của tứ trụ, tức con cái của  4 nhân vật cấp cao nhất, là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội”.

Trên mạng xã hội và các Diễn đàn chính trị, có những ý kiến đáng chú ý, như: “gần đây, Tuấn Anh khoe với các chiến hữu thân cận rằng, đã lo xong vụ này và tốn kha khá”. Hoặc “chưa có tiền lệ bắt con của “tứ trụ”, nên Trần Tuấn Anh có lẽ thoát. Nhưng nếu ông Trần Đức Lương mà mệnh hệ gì, thì chẳng ai dám đảm bảo Trần Tuấn Anh bình an vô sự”.

Thời gian gần đây, liên tiếp 2 Thứ trưởng Bộ Công thương là đàn em của Trần Tuấn Anh – Đỗ Thắng Hải và Hoàng Quốc Vượng – đã bị Bộ Công an khởi tố bắt giam. Điều đó cho thấy, các sai phạm của ông Trần Tuấn Anh không hề đơn giản. Nhất là, giới thạo tin tiết lộ, “tổng chỉ huy nhóm lợi ích điện lực, không ai khác, chính là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh”.

Đó là chưa kể tới các bê bối về đạo đức của Trần Tuấn Anh, đã khiến cho dư luận xã hội hết sức bất bình. Cụ thể, vào tháng 1/2019, ông Trần Tuấn Anh đã phải gửi thư chính thức, công khai xin lỗi công luận, về vụ đưa xe công vụ của Bộ Công thương ra tận chân cầu thang máy bay để đón vợ ông, theo cách thức đón lãnh đạo cao cấp. Nhưng không hiểu vì sao, việc này đã rơi vào im lặng.

Công luận đặt câu hỏi, tại sao những sai phạm trầm trọng của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, là những sai phạm mang tính hệ thống, trong cả nhiệm kỳ Đại hội 12, nhưng không bị xử lý. Ngược lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đưa Trần Tuấn Anh vào Bộ Chính trị Đại hội 13, và để cho giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương?

Nguyên nhân Trần Tuấn Anh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức ưu ái, theo giới thạo tin tiết lộ, là do cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương vốn là ân nhân của ông Trọng. Ông Lương đã giúp cho ông Trọng một lá phiếu mang tính quyết định, để ông Trọng trở thành Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên tại Đại hội Đảng Khóa 11 (2011 – 2015).

Chính trường Việt Nam gần đây đã có những biến động hết sức phức tạp. Sau Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, thế và lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm hơn bao giờ hết. Tổng Trọng đã tuyên bố sẽ “rửa tay, gác kiếm”, để chuyển giao quyền lực cho người khác kế nhiệm. Thì việc các phe cánh khác trong Đảng đồng thuận triệt hạ những vây cánh của Tổng Trọng, như Trần Tuấn Anh, là điều cần thiết và là “nhất tiễn hạ song điêu”. Điều đó có thể ảnh hưởng tới việc kế nhiệm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – người được ông Trọng lựa chọn – và cũng là một nhân vật có nhiều bê bối tình ái.

Xin nhắc lại, theo giới thạo tin, có thể sắp tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 sẽ triệu tập phiên họp Hội nghị Trung ương bất thường đặc biệt, để bàn về nhân sự Tổng Bí thư, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội 13.

Đó là một trong những lý do, giới phân tích cho rằng, ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị Đại hội 13, Trưởng ban Kinh tế Trung ương – khả năng cao sẽ bị “rớt đài”?./.

Trà My – Thoibao.de

20.1.2024

Kasse animation 7.8.2023