Tổng “đốt lò” và nghịch lý về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tham nhũng

Ngày 16/1, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Tăng trưởng suy giảm khi căng thẳng chống tham nhũng” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – nguyên Trưởng khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Tác giả cho rằng, có sự giao thoa phức tạp theo tính chất và thời gian, giữa hai phạm trù tăng trưởng kinh tế và tham nhũng, là một thuộc tính quan trọng của mô hình phát triển hiện nay.

Tác giả viết bài này nhằm nhận diện và giải mã nghịch lý trên, vì trong thực tế chuyển đổi thị trường, điều này có ý nghĩa quan trọng. Những câu hỏi cần được trả lời là: Thực chất và biểu hiện của mối quan hệ này là gì? Chống tham nhũng đang huỷ hoại động lực tăng trưởng thế nào? Thời kỳ tăng trưởng nhanh đang kết thúc?

Theo tác giả, có nhiều hình thức tham nhũng, trong đó, có một hình thức mang tính cấu trúc, hay chính trị nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan. Nó phản ánh hành vi chia chác số tiền chiếm đoạt từ công quỹ, tiền dự án, gian lận thuế… giữa các chủ thể tạo ra tăng trưởng, như doanh gia, hộ hay cá thể kinh doanh, và các quan, công chức khi thi hành công vụ, thường bằng cách đưa và nhận hối lộ dưới nhiều vỏ bọc, như quan hệ thân hữu, bảo kê, nhóm lợi ích… nhằm “bôi trơn bánh xe” của guồng máy cai trị, để “vượt qua” những bất cập, rào cản trong môi trường kinh doanh, hay “lách” những khoảng trống kiểm soát quyền lực dưới chế độ tập quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chuyển đổi kinh tế thị trường.

Tác giả nhận xét, nghịch lý này có thể “cảm nhận” xu hướng, nếu đặt hai dãy số liệu về tăng trưởng GDP và chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) theo thời gian năm. Chẳng hạn, tỷ lệ tăng GDP bình quân từ năm 1991 đến nay, quanh mức 7% và có xu hưởng giảm; trong khi CPI là 39/100 điểm, xếp thứ 87/190 quốc gia, và có xu hướng tăng.

Tác giả cho biết, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu định lượng thuyết phục về nghịch lý này, nhưng thực trạng tăng trưởng kinh tế suy giảm và tham nhũng vẫn nghiêm trọng, tràn lan, cho thấy, chống tham nhũng đang ở vào giai đoạn rất căng thẳng. Đây là một thực tế cần được nhìn nhận thẳng thắn.

Tác giả nhận xét, chiến dịch “đốt lò” đã được hơn 10 năm, nhưng các đại án tham nhũng vẫn liên tục được điều tra, xét xử. Những dấu hiệu đặc trưng của các án tham nhũng, là trong mỗi vụ đều có các cán bộ đảng viên, quan tham đủ loại, trong đủ các bộ ngành, khu vực công, dân sự và quân sự, các cấp Trung ương và địa phương.

Mỗi vụ án tham nhũng đều cho thấy, mối quan hệ phức tạp giữa các chủ doanh nghiệp – đối tượng chủ yếu tạo ra tăng trưởng, và quan chức “suy thoái” cấu kết nhằm trục lợi.

Chẳng hạn, qua hành vi “đưa và nhận hối lộ” để chia sẻ số tiền chiếm đoạt, trong đó phần lớn có nguồn gốc là tài sản công, tài sản cá nhân khác, hoặc đất đai – sở hữu toàn dân theo “luật bất thành văn”. Từ lâu, trong dư luận người ta bàn luận về kiểu “văn hoá phong bì” như một chất xúc tác không thể thiếu, trong các phi vụ làm ăn “mờ ám”, mà nếu có nó các đối tác “thêm” vững tin hành động!

Tác giả kết luận, chống tham nhũng “ồn ào”, các bản án tù nặng nề và tuyên truyền quyết liệt để nỗ lực “cứu” chế độ đang làm sống lại mô hình chuyên chế kiểu cũ, trong đó tinh thần và động lực kinh doanh bị huỷ hoại đồng thời với tự do, dân chủ và nhân quyền. Nghịch lý tăng trưởng nhanh và  tham nhũng tràn lan, như trình bày ở trên, vừa là thuộc tính của chế độ Đảng Cộng sản toàn trị vừa là “cảm biến” đang cảnh báo về “thời kỳ hoàng kim” của mô hình tăng trưởng có xuất xứ từ Trung Quốc đang kết thúc.

Hoàng Anh – thoibao.de

17.1.2024

Kasse animation 7.8.2023