Thư ngỏ gửi ông Tô Lâm

Ngày 10/1, Facebook cá nhân của Giáo sư Mạc Văn Trang đăng một bức “Thư ngỏ gửi ông Tô Lâm”, để góp ý với ngành công an, dù biết không mấy tác dụng.

Giáo sư cho rằng, công an là lực lượng gìn giữ trật tự, an bình cho dân. Nhưng hình như lâu nay, nhiều việc công an đã làm ngược lại, khiến hình ảnh công an gây ác cảm trong mắt người dân.

Giáo sư góp ý 5 nội dung như sau:

1.Chưa bao giờ, công an có siêu quyền lực như ngày nay. Việc công an điều tra, bắt các quan chức cao cấp tham nhũng, các đại gia lũ lượt ra hầu toà, gây chấn động toàn hệ thống chính trị, nhiều quan chức run sợ, nhiều người dân hả dạ…

Chưa bao giờ, biên chế công an đông đúc và ngân sách cho công an lớn như ngày nay. Quốc hội cũng ít dám chất vấn, phê phán nhiều vấn đề công an gây cho người dân bức xúc. Nhưng “quyền lực tuyệt đối thì cũng tha hóa cũng tuyệt đối”! Rồi Công an Nhân dân mà “chỉ biết còn Đảng còn mình” là sao?

  1. Việc nhiều quan chức tha hoá bị những doanh nhân ma quái móc ngoặc thành nhóm lợi ích, rồi họ ra lệnh/ thuê công an đi cưỡng chế, “giải tỏa”, “thu hồi” đất đai, tài sản của những người dân thấp cổ bé họng, đã gây ra biết bao dân oan và tội ác không kể xiết. Dù là lệnh từ đâu, nhưng công an là người trực tiếp thực hiện trước con mắt của bàn dân thiên hạ, và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử… Hãy bớt gây ác với dân đi!
  2. Công an ở cơ sở rất nhạy bén trong việc lợi dụng các chủ trương của trên để hành dân kiếm tiền, gây ra bao nhiêu nỗi khổ cho người dân đen.

Cho nên, các chủ trương chính sách của trên phải nghiên cứu rất cẩn trọng và càng ít thay đổi, càng ổn định lâu dài càng tốt, đỡ khổ cho dân. Vừa qua, những chủ trương thay hộ chiếu, thẻ căn cước, biển xe chính chủ, bỏ hộ khẩu nửa mùa, rồi còn định gắn thiết bị theo dõi hành trình cho cả xe gắn máy… làm không căn cơ, gây cho dân vô vàn bức xúc.

  1. Việc kiểm tra nồng độ cồn và phạt rất nặng các lỗi vi phạm giao thông đã gây ra bức xúc, khiến nhiều người dân phản ứng dữ dội. Một người đi xe máy có nồng độ cồn vượt quy định và xe thiếu giấy tờ, bị phạt 7 triệu đồng và giam giữ xe, thì người lao động chết đói còn gì! Vì thế, đã có người tự thiêu ngay tại chốt kiểm tra của công an; nhiều người cãi cọ căng thẳng, vứt xe lại; có người lao xe vào công an.
  2. Hãy đối xử nhân đạo với những người dân phạm lỗi, phạm tội như với các quan chức ấy, vì đều là con dân nước Việt, là công dân như nhau.

Đặc biệt cần đối xử tử tế, nhân đạo với những tù nhân chính trị/ Tù nhân lương tâm; dù họ “phạm tội” với nhà cầm quyền, nhưng phần lớn họ là những phần tử quý hiếm của dân tộc, đấu tranh cho tiến bộ xã hội. Hiện nay các tù nhân lương tâm bị đối xử tệ quá: Bắt giam cầm ở xa, gây khó cho gia đình chăm nuôi; có người bị nhốt với tội phạm nhiễm HIV, bị “đầu gấu” gây sự… Nên nhớ, mọi cách cư xử của công an với các tù nhân lương tâm như thế nào, đều sẽ được ghi chép lại trong các hồi ký, đi vào lịch sử.

Hãy xem các nước văn minh đối xử với tù nhân thế nào để cải cách chế độ nhà tù đi! Hãy nhân đạo hoá nhà tù! Tử tế mới “cải tạo” được con người; càng ác độc thì càng không bao giờ “cải tạo” được gì hết, mà gieo thù chuốc oán, tàn phá thêm nhân cách con người mà thôi.

Công an Nhân dân là để an dân. Muốn an dân chỉ có cách đối xử nhân đạo, khoan dung, nghiêm mà thương dân. “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, lời cụ Hồ dạy chí phải!

Xuân Hưng – thoibao.de

11.1.2024

Kasse animation 7.8.2023