Người Việt bị lừa đảo qua mạng gần 16 tỷ USD trong năm 2023

Ngày 7/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Người Việt bị lừa đảo qua mạng gần 16 tỷ USD trong năm 2023”.

Theo đó, có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng, trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu.

Đó là con số rất lớn được ông Philip Hùng Cao – Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust – cho biết tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án chống lừa đảo của người sáng lập Ngô Minh Hiếu (tức Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), được tờ Người lao động loan trong ngày 7/1.

RFA cho biết, với con số trên, được thống kê từ Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA), và dự án xã hội chống lừa đảo, đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023. Theo ông Philip Hùng Cao, cho thấy rằng, Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

Ông Hùng Cao cũng cho biết, ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng, có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024, tỉ suất lợi nhuận càng tăng.

Tại buổi lễ, RFA dẫn lời ông Hiếu PC cho rằng, Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu, nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.

Qua đó, ông Hiếu xác nhận, chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài, chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau.

RFA tiếp tục dẫn lời ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa), lưu ý, tội phạm mạng tại Việt Nam đang ngày càng phình to. Hiện nay, lừa đảo được xem là một ngành công nghiệp, bởi vì không còn đơn giản xuất phát từ một cá nhân hay nhóm nhỏ.

Phó Chủ tịch Vnsia đánh giá, tỉ lệ người dùng Việt Nam sử dụng công nghệ luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về internet chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Đó là điều kiện để các đối tượng xấu khai thác.

RFA dẫn báo cáo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), về thực trạng lừa đảo tại Việt Nam, cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam cho thấy, có 55% bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết lừa đảo của họ, trong khi chỉ có 14% khiêm tốn thừa nhận hoàn toàn thiếu tự tin.

Báo cáo GASA cho hay, người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, với con số đáng kinh ngạc là 70%, cho biết, họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng một lần.

Theo RFA, mức độ nghiêm trọng của tình hình càng được nhấn mạnh bởi số liệu thống kê đáng lo ngại: 49% đã trải qua sự gia tăng các vụ lừa đảo trong 12 tháng qua, nhấn mạnh tính chất lan rộng và ngày càng phát triển của vấn đề này.

Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này.

Tiếp theo là Telegram (28%), Google (13%), và TikTok (13%) chiếm vị trí thứ ba đến thứ năm, là các kênh được khai thác nhiều nhất.

RFA cho biết thêm, lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người tham gia báo cáo về hình thức này. Giữa sự phổ biến của các vụ lừa đảo, có tới 56% cho rằng, không xảy ra trong 12 tháng qua, báo cáo trung bình 0,8 vụ lừa đảo cho mỗi người tham gia.

Điều cư dân mạng thắc mắc là: Vì sao, Việt Nam có hệ thống công an – an ninh theo dõi tất tần tật mọi hoạt động của xã hội, chỉ cần một người vô danh có phát biểu chống Đảng, là họ biết ngay. Nhưng với hoạt động lừa đảo diễn ra rầm rộ suốt bao nhiêu năm, lực lượng công an lại tỏ ra bất lực?

Xuân Hưng – thoibao.de

7.1.2024

Kasse animation 7.8.2023