Thanh tra, trừng trị và cho tồn tại – vòng luẩn quẩn của chiến dịch đốt lò!

Dính tới EVN có ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng; và ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đều bị kỷ luật. Ở cấp thấp hơn, có ông Dương Quang Thành – cựu Chủ tịch EVN. Ngoài ra còn nhiều nhân vật liên quan khác.

Mới đây, EVN bị Thanh tra Chính phủ điểm loạt vi phạm, trong đó có việc, giá mua điện vượt xa mức giá trần khung giá phát định. Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, giá mua tại nhiều nhà máy thủy điện, như Đồng Nai 2, thủy điện Sông Bung 4A… vượt xa mức khung nói trên. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, phục vụ việc xem xét, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, với 9 vụ việc liên quan đến điện.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã cho ông Trần Cẩm Tú lên danh sách những nhân vật cộm cán, từ Chính phủ đến Bộ Công thương, rồi đến EVN, cho lên thớt, thì việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc để moi sai phạm của EVN, được xem như là biết “vâng lệnh” ông Tổng. Nếu Thanh tra Chính phủ không vâng lời, có khi, ông Nguyễn Phú Trọng lại cho ông Trần Cẩm Tú sờ gáy cả Thanh tra Chính phủ, thì vụ án lại lở loét rộng ra thêm.

Ngày 27/12, ông Tô Ân Xô – Người phát ngôn Bộ Công an – cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã bắt ông Nguyễn Thành Ngôn – Giám đốc EVN Bình Thuận – và 16 người khác.

Ông Nguyễn Thành Ngôn cùng người tiền nhiệm là Trần Ngọc Linh, bị cáo buộc “nhận hối lộ”; sai phạm đấu thầu, sai phạm kế toán trong quản lý doanh nghiệp. Những người này vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy là, ở tầng trên của EVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương lên danh sách, còn ở cơ sở, ông cho Tô Lâm bắt người.

Thông thường, khi ông Trọng muốn đánh án, thì ông cho bắt từ nhỏ bắt lên. Bắt đầu từ EVN Bình Thuận, không biết khi nào thì “củi” là các lãnh đạo vào cựu lãnh đạo EVN tra tay vào còng? Ngày đó, người dân đang đợi. Họ đợi xem ông Nguyễn Phú Trọng sẽ khui đến đâu? Liệu ông có khui đến trùm cuối, hay ông lại khui nửa chừng rồi dừng như bao vụ án khác.

Không biết, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có cho bắt Trần Tuấn Anh hay không? Và nếu có bắt đến ông Trần Tuấn Anh, thì đấy cũng chỉ là giải quyết phần ngọn.

Nguyên nhân dẫn tới sai phạm có hệ thống của EVN, chính là sự độc quyền của nhà nước. Ngành điện đang bị thắt cổ chai bởi EVN, nghĩa là, điện từ nhà sản xuất bị buộc phải bán cho EVN, nếu không thì không thể bán cho ai khác. Còn khách hàng dùng điện thì cũng chỉ có mua của EVN mà không thể mua của ai khác.

Như vậy, điện từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng bị EVN thắt cổ chai ở giữa. Nhà sản xuất bán điện không được, người tiêu thụ thì thiếu điện.

Nếu không có sự độc quyền này, thì nhà sản xuất có nhiều lựa chọn. Điện sản xuất ra không bán cho người này thì bán cho người khác, nên hạn chế được rủi ro. Như vậy, những nhà sản xuất điện lớn mới chịu đầu tư vào. Đây là lý do chính khiến Tập đoàn điện gió Orsted lớn nhất thế giới tháo chạy khỏi Việt Nam. Chính sự độc quyền về mua bán điện đã xua đuổi những nhà sản xuất điện xanh tháo chạy, và thiệt hại cho nền kinh tế là không thể cân đo đong đếm được.

Giả sử, ông Trọng cho moi hết những con cá gộc liên quan đến EVN trong Chính phủ, thì rồi cũng sẽ xuất hiện Trần Tuấn Anh khác, Dương Quang Thành khác, Mai Tiến Dũng khác và Trịnh Đình Dũng khác… Bởi sai phạm được sinh ra từ cơ chế, mà cơ chế không thay đổi thì sai phạm cũng sẽ tiếp diễn mà thôi.

Ý Nhi – Thoibao.de

28.12.2023

Kasse animation 7.8.2023