“Chống tham nhũng” hay “tham nhũng”, đâu là chủ trương lớn của Tổng Trọng?

Công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được khởi xướng sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 12 (năm 2016). Kể từ đó cho đến nay, lò của ông Trọng đốt hoài, đốt mãi vẫn không hết củi, đã khiến cho công luận nghi ngờ và đặt câu hỏi: “Chống tham nhũng” hay “tham nhũng” là chủ trương lớn của Đảng?”

Báo Chính phủ online ngày 11/12 đưa tin, “Đại án Việt Á: Ngày 3/1/2024 xét xử 38 bị can”. Bản tin cho biết, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định, ngày 3/1/2024 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng và 36 bị cáo, trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, cùng các đơn vị liên quan. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Theo đó, tất cả các bị can, bị cáo, bị án, liên quan đến Việt Á đều bị triệu tập đến tòa. Hội đồng Xét xử phiên tòa này gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa.

Lâu nay, vấn đề tham nhũng trong bộ máy Đảng và nhà nước Việt Nam là một vấn đề nhức nhối, đang có những dấu hiệu mất kiểm soát. Tình trạng quan chức, công chức, viên chức “ăn không từ một thứ gì của dân”, như lời cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan công khai phát biểu là điều có thật.

Có nhiều lý lẽ biện minh cho tình trạng này, như, đồng lương không đủ sống, hay cán bộ “không tham nhũng” thì sống bằng gì… Nhưng, trên thực tế, những biện minh đó khó có thể thuyết phục. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính là cơ chế kiểm soát đã bị vô hiệu hóa. Bất kỳ vụ tham nhũng nào, từ thượng tầng lãnh đạo, cho tới cấp phường xã, các quan chức tham nhũng đều có kẻ chống lưng, hay ô dù ở cấp trên.

Đáng chú ý, rất nhiều kẻ tham nhũng cộm cán là lãnh đạo cấp cao, dù đã bị phát hiện trong một thời gian dài, vẫn không bị xử lý. Dư luận cho rằng, nếu được Tổng Bí thư dung túng che chắn, thì việc gì phải sợ ai?

Tham nhũng, hiểu đơn giản là những hành vi ăn cắp tài sản của nhà nước để trục lợi cho cá nhân, cho người thân. Nhưng tham nhũng không chỉ là việc có hành vi ăn cắp tài sản và tiền bạc của công, mà hiện nay, rất nhiều người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao, để vụ lợi dưới hình thức tham nhũng quyền lực.

Đây là điều phổ biến và cũng là lý do vì sao, trong bộ máy của Đảng và nhà nước Việt Nam có rất nhiều cá nhân không xứng đáng, không đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, nhưng lại chiếm giữ nhiều cương vị, vị trí quan trọng.

Vậy ai là người đã đưa bọn “sâu dân, mọt nước” lên tới hàng chục ngàn người vào các ghế lãnh đạo?

Hỏi cũng là trả lời, chuyện lớn và tày đình như thế thì ai ai cũng biết. Chuyện tham nhũng quyền lực thì không ai qua mặt Tổng Bí thư.

Xu thế chung chống tham nhũng trên toàn cầu, đều phải áp dụng các biện pháp: “thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và các tổ chức xã hội dân sự tham gia giám sát”.

Tổng Bí thư Trọng – người điều hành Cơ quan Chống tham nhũng Trung ương – nhưng khi chưa chống tham nhũng, đã lo “ta tự đánh ta”, hay “đánh chuột sợ vỡ bình”, rồi “cần phải mở đường cho đồng chí của mình rút kinh nghiệm” v.v…

Nhìn vào “Thông báo kết luận số 20-TB/TW” ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị, về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, sau khi bị kỷ luật, thì rõ ràng, đây là chủ trương để cứu lãnh đạo tham nhũng.

Một câu hỏi đặt ra là, “Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có thật lòng chống tham nhũng hay không?”

Trong các vụ đại án đưa ra xét xử gần đây, như vụ chuyến bay giải cứu đã xét xử; hay đại án Việt Á sắp đưa ra xét xử, kết luận điều tra của Bộ Công an đều cố ý bóp méo số tiền nhận và đưa hối lộ. Ví dụ, vụ Việt Á, theo lời khai ban đầu, Phan Quốc Việt đã chi 800 tỷ cho việc “bôi trơn” cho các quan chức. Song, kết luận điều tra đã giảm bớt, chỉ còn 106 tỷ.

Vậy, số chênh lệch gần 700 tỷ đã biến mất đi đâu?

Một vấn đề quan trọng hơn, liên quan tới một câu hỏi rất đơn giản, rất dễ có lời giải đáp, nhưng vẫn luôn bị né tránh. Đó là câu hỏi: “Ai là trùm cuối, ai nắm giữ 80% cổ phần của Công ty Việt Á, tại sao Bộ Công an đến hôm nay vẫn không có câu trả lời?”

Điều đó liên quan gì đến chủ trương, “phân hóa nội bộ” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị. Theo đó, các quan chức tham nhũng có thể được giảm nhẹ hay miễn truy tố, nếu “không có động cơ tham nhũng hay vụ lợi”.

Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận “món quà biếu” 200 ngàn USD từ Phan Quốc Việt, nhưng được Bộ Công an kết luận là không phạm tội “nhận hối lộ”, là điều rất nguy hiểm. Đó là biểu hiện, Cơ quan Phòng chống tham nhũng Trung ương đã mở ra một tiền lệ, quan chức nhận quà biếu sẽ thoát tội “nhận hối lộ”.

Điều đó cho thấy, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lợi dụng chống tham nhũng để đấu đá, kèn cựa lẫn nhau trong nội bộ Đảng. Còn những kẻ tham nhũng là người thân cận, tay chân của lãnh đạo ban chỉ đạo chống tham nhũng, hay lãnh đạo cấp cao, thì sẽ trở thành vô can.

Đó là một trong những lý do khiến cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hiệu quả. Càng chống thì tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển như nấm mọc sau mưa./.

Trà My – Thoibao.de

26.12.2023

Kasse animation 7.8.2023