Thấy gì qua kết quả chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Việt Nam?

 

Trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo giới phân tích, đó là chuyện “chẳng đặng đừng” – không làm không thể được.

Mục đích cao nhất của Bắc Kinh là buộc Ban lãnh đạo Việt Nam phải trở lại vòng cương tỏa của Trung Quốc như trước đây, sau một thời gian “đứa con hoang đàng” đột ngột “dở chứng” cứng đầu, đã có những biểu hiện rời xa nước mẹ.

Thứ hai, được cho là sự nhỏ nhen của thói xấu Đại Hán, tự cho mình là cha của thiên hạ. Do đó, ông Tập cần nâng cấp mối bang giao Việt – Trung lên một bước cao hơn, dù rằng đã ở mức cao nhất.

Bắc Kinh luôn muốn phải ở vị thế “kèo trên”, ở mức cao hơn, chứ không thể bị xếp ngang bằng với các quốc gia cũng là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, hay Hàn Quốc.

Trước chuyến thăm, giới chuyên gia nhận định rằng, khả năng rất cao, Việt Nam phải chấp nhận sự đồng thuận về “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc.

Nhưng bất ngờ, khái niệm “một cộng đồng chia sẻ tương lai” đã được đưa vào Thông cáo Báo chí vào phút chót, mặc dù về bản chất không khác nhau là mấy. Điều này được cho là do tính nhạy cảm về ngôn từ, và do tâm lý chống Trung Quốc đang rất mạnh ở Việt Nam.

Bình luận về sự “lùi bước” của Bắc Kinh, trong bài viết “‘Lấy đá ghè chân mình, ông Tập có được “Cộng đồng chung vận mệnh” với Hà Nội”, nhà ngoại giao kỳ cựu, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan cho rằng:

“Thế và lực của Việt Nam không như thuở hồng hoang, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được…, ông Tập sang ta lần này trên tư thế nào? Trung Quốc từng “trỗi dậy mạnh mẽ” sang để trấn áp tiếp Việt Nam, hay là trong tư thế một Trung Quốc bị “tứ bề thọ địch”, sang Hà Nội để chèo kéo Việt Nam cùng trèo lên chiếc thuyền đang chòng chành, có nguy cơ bị lật?”

Lập luận này được đánh giá là tương tự ý kiến của giới chuyên gia khi cho rằng, “Lần này, ông Tập sang trong thế thủ, chứ không trên thế áp đảo Hà Nội như hai lần trước đây”. Và thực sự may cho ông Tập, trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, cuối cùng, hai bên đã đồng ý nâng cấp quan hệ, xây dựng “tương lai chung”, thay cho “cộng đồng chung vận mệnh”.

Trước đó, lịch trình chuyến thăm của ông Tập đến Hà Nội được dời đi, đổi lại năm lần bảy lượt, thậm chí, còn có tin đồn đoán rằng, chuyến thăm sẽ bị hủy. Điều đó cho thấy, có thể ông Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã tiên liệu sai về sức kháng cự dai dẳng của nền “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Trước khi ông Tập đến Hà Nội, báo Nhân Dân và một số tờ báo khác của Việt Nam đã đăng một bài viết được cho là của ông gửi tới. Trong đó, ông Tập ví von chuyến thăm này giống như “họ hàng, láng giềng, vừa là đồng chí vừa là anh em, hai nước núi liền núi, sông liền sông như môi với răng”. Theo giới quan sát, đây là một thông điệp mà Ban lãnh đạo Trung Nam Hải muốn cho thấy, họ khẳng định sẽ tiếp tục kìm Việt Nam chặt chẽ hơn.

Điều này khiến cho dư luận xã hội ở Việt Nam bàn về chuyến thăm của Chủ tịch Trung quốc, đã nóng lại càng nóng hơn. Hành động dại dột của ông Tập đã phá vỡ đại cục, và được ví như “tự bắn vào chân mình”.

Không những thế, trong ngày cuối cùng có mặt tại Hà Nội, Chủ tịch Tập Cận Bình còn yêu cầu phía Việt Nam chống lại những ý đồ được cho là “gây rối” khu vực Biển Đông từ bên ngoài.

Nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Tập nhắc: “Trung Quốc và Việt Nam nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Những điều này, rõ ràng cho thấy, Chủ tịch Tập đang nhắm đến Hoa Kỳ, một đối tác chiến lược toàn diện mới của Việt Nam.

>>> (Hình 03: Người Hà Nội biểu tình phản đối Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017)

Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, cũng như tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên khu vực này. Gần đây, Trung Quốc lại đưa ra bản đồ đường “lưỡi bò” 10 đoạn, với tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền mà Việt Nam tuyên bố.

Theo giới phân tích, mặc dù lãnh đạo Việt Nam ủng hộ việc tham gia vào “Cộng đồng chia sẻ tương lai” của Trung Quốc, tương tự như khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng tuyệt đại đa số người dân phản đối, khi cho rằng, Việt Nam không thể chung vận mệnh với một quốc gia có đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Cho nên, bất kể ra sao, việc Ban lãnh đạo Việt Nam tham gia vào “cộng đồng chia sẻ tương lai” của Trung Quốc, cũng là hành động bán nước./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023