Ấn Hoàng Đế Chi Bảo và câu chuyện thật giả

Ngày 6/12, RFA Tiếng Việt có bài “Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là ấn giả hay thật?”

RFA cho biết, liên quan đến Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là “ấn giả” hay thật, RFA đã trao đổi với một số chuyên gia về lịch sử triều Nguyễn và cung đình Huế, về thông tin chiếc ấn triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đã bị thất lạc, và chiếc ấn truyền lại sau đó là “ấn giả”.

Đây là thông tin được nêu trong sách “Một Đời Trong Mắt Bão”, do Tiến sĩ Nguyễn Văn Châu, nguyên giáo sư Luật khoa và Văn khoa ở Sài Gòn trước 1975, chấp bút. Cuốn sách ghi lại những hồi ức và cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, con gái Thượng thư Ngô Đình Khả và em gái cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, về những gì bà chứng kiến và được kể lại, về vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam sau 1945.

Bài trên RFA

RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cho biết, theo thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì chiếc ấn vua Hàm Nghi mang theo và thất lạc trong rừng, là ấn “Ngự Tiền Chi Bảo” làm từ thời vua Gia Long, không có thông tin về ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” từ thời Minh Mạng bị thất lạc.

Theo ông Sơn, có 4 cơ sở để phán đoán như vậy:

Thứ nhất, nhà Nguyễn có hai loại ấn. Một là quốc ấn hay công ấn, dùng để đóng lên các văn bản công của quốc gia. Hai là các tư ấn.

Thứ hai, quốc ấn làm bằng vàng, bạc, kích thước lớn. Vua sống ở trong điện Càn Thành và các tư ấn đặt tại đây, còn các quốc ấn thì đặt tại điện Cần Chánh.

Thứ ba, khi xảy ra vụ thất thủ kinh thành Huế, vào rạng sáng ngày 5/7/1885, vua Hàm Nghi, mới 12 tuổi, không phải là người chủ động và lúc đó vẫn ở trong điện Càn Thành. Vua Hàm Nghi không ở tâm thế của người thua cuộc, không nghĩ phải bỏ chạy, nên không có lý do gì để ông chuẩn bị sẵn, mang các quốc ấn bên điện Cần Chánh rút lui vào rừng sâu.

Nhưng bất thình lình có người mở cửa sau cho quân Pháp vô, đốt được một kho đạn làm cho phát nổ, khiến quân Nguyễn bị vỡ trận. Triều đình phải rút khỏi kinh thành. Trong tình huống như vậy, vua Hàm Nghi chỉ có thể mang theo những chiếc tư ấn đặt ở chỗ ông ở. Khả năng ông sang điện Cần Chánh, lấy quốc ấn để mang theo là khó xảy ra.

Theo RFA, ngoài Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người tham gia giám định ấn Hoàng Đế Chi Bảo mua về từ Pháp, là Tiến sĩ Phạm Quốc Cung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, và Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, đương kim Giám đốc của Bảo tàng này. Họ đều khẳng định cái ấn này là thật.

Tiến sĩ Sơn nhận xét, sách “Một Đời Trong Mắt Bão” được ghi chép gián tiếp qau nhiều bậc: Vua Thành Thái nói với các đại thần lúc không có mặt ông Ngô Đình Khả, ông Ngô Đình Khả được kể lại và sau đó kể cho bà Ngô Đình Thị Hiệp, bà Hiệp kể cho ông Nguyễn Văn Châu và ông Nguyễn Văn Châu kể lại cho độc giả. Do đó, mức độ khả tín của thông tin này rất thấp.

RFA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đồng quan điểm rằng, chiếc ấn thất lạc trong cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi là “Ngự Tiền Chi Bảo”, không phải “Hoàng Đế Chi Bảo”.

RFA cũng dẫn lời Tiến sĩ Trương Nhân Tuấn nói rằng, trong “Đại Nam thực lục” ghi là, vua Hàm Nghi khi xuất cung chỉ mang theo ấn “Văn lý mật sát” mà thôi. Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I viết rằng, nhà Nguyễn chỉ có hai cái ấn “Văn lý mật sát,” một làm dưới thời Gia Long và một làm dưới thời Đồng Khánh. Ông cho rằng cái ấn vua Hàm Nghi đem theo là cái ấn thời Gia Long.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Tuấn, ngày 28/8/1945, ông Phạm Khắc Hòe giao ngọc tỷ truyền quốc “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” cho chính quyền Cách mạng. Chiếc ngọc tỷ này quý giá hơn cái ấn vàng kia, vì nó biểu tượng quyền lực quốc gia.

 

Thu Phương – thoibao.de

======

 

 

Kasse animation 7.8.2023