Đến bao giờ Tổng Bí thư mới cho bắt ông trùm “Nhóm lợi ích điện lực” Trần Tuấn Anh?

Báo Thanh Niên ngày 1/12 đưa tin: “EVN thay Tổng Giám đốc”. Bản tin cho biết, “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, làm Tổng Giám đốc EVN bắt đầu từ hôm nay 1/12.”

Về lý do bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc EVN, thay thế ông Nguyễn Đình Nhân, báo Thanh Niên cho biết, quyết định dựa theo “kết luận thanh tra về quản lý, vận hành cung cấp điện của EVN, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở khu vực miền Bắc, gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư”.

Được biết, vào tháng 11/2023, ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán Điện thuộc EVN, là trường hợp thứ sáu bị bắt, sau 5 giới chức thuộc Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công thương và EVN, bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, vì tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Giới thạo tin tiết lộ, kẻ đứng sau “giật dây” cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và là tổng chỉ huy của nhóm lợi ích điện lực, không ai khác, chính là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Trong những ngày này, ông Trần Tuấn Anh đang ở trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên”, và giật mình thon thót. Nhất là còn có thông tin, việc Trần Tuấn Anh bị bắt chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tại nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016 – 2921), ông Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng Bộ Công thương, kế nhiệm cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Giai đoạn đó, ông Trần Tuấn Anh đã dính líu đến nhiều bê bối trầm trọng, và có khả năng phải chấm dứt sự nghiệp chính trị, dù rằng tuổi vẫn chưa cao.

Cụ thể:

  1. Trong giai đoạn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh có nhiều dấu hiệu cho thấy, đã bật đèn xanh Bộ Công Thương “đi đêm” với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, để triển khai dự án thép Hoa Sen – Cà Ná, mang hơi hướng của vụ Formosa Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh là anh em cọc chèo với Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, người từng tuyên bố câu phát biểu để đời, “Ngu gì không làm thép!”.

  1. Có những vết chàm liên quan đến các nhóm lợi ích chính sách, như Petrolimex và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dung túng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ chỗ không được quyền quyết định (theo Quyết định 69 của Chính phủ), đến chỗ được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời thẩm quyền của Bộ Công thương cũng tăng tương ứng, từ chỗ được quyết định tăng giá điện tối đa 20% mỗi năm, lên đến 40% mỗi năm.

Điều đó có nghĩa, EVN thậm chí cũng không cần đến Bộ Công thương để “quyết”, chỉ cần Chính phủ chấp nhận đề xuất trên, là lập tức, EVN có quyền tự tăng giá điện ít nhất 20% một năm.

Đó là lý do vì sao, trong nhiều năm qua, EVN kinh doanh lỗ lã, nhưng tất cả đổ lên giá điện để bán cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, còn có các bê bối về đạo đức của Trần Tuấn Anh. Ông Tuấn Anh từng gây nóng dư luận, khi vào đầu năm 2019, ông đã điều xe ô tô công của Bộ Công thương, ra tận chân cầu thang máy bay ở phi trường Nội Bài, Hà Nội, để đón vợ theo cách thức đón lãnh đạo cao cấp.

Nhưng vì Trần Tuấn Anh là con trai của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, và là cháu “cưng” của Tổng Trọng, nên mọi việc đã rơi vào im lặng. Tại Đại hội 13, Trần Tuấn Anh một kẻ đầy bê bối và suy thoái đạo đức, vẫn trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, Ban Kinh tế Trung ương mà ông Trần Tuấn Anh ngồi ghế Trưởng ban, được xem là một trạm trung chuyển các quan chức cấp cao vi phạm, ngồi chờ kỷ luật.

Đến sau này, người ta mới vỡ lẽ, ông Nguyễn Phú Trọng chơi chiêu “hư hư, thực thực”, và đã khiến cho số đông nghĩ rằng, Trần Tuấn Anh đang bị chờ kỷ luật, khiến cho các đối thủ của ông Trọng bớt để ý đến Trần Tuấn Anh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh về giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chỉ là chỗ để Trần Tuấn Anh “núp”, để tránh bị kỷ luật, hay bị bắt giam. Rõ ràng, hơn một nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, người ta thấy Trần Tuấn Anh gần như không làm việc gì. Đó là chưa kể tới các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương gần đây, kết quả cho thấy, Trần Tuấn Anh luôn đội sổ về số phiếu tín nhiệm.

Trong công tác nhân sự, Tổng Bí thư Trọng luôn khẳng định, không đưa vào Ban Chấp hành Trung ương những phần tử cơ hội chính trị, có biểu hiện tham nhũng và lợi ích nhóm…

Công luận đề nghị, Tổng Bí thư làm rõ đối với nhân sự có tên Trần Tuấn Anh, có đủ tiêu chuẩn để trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13, Trưởng ban Kinh tế Trung ương hay không?./.

Trà My – Thoibao.de

 

Kasse animation 7.8.2023