Bao giờ mới hết tình trạng “có một rừng luật, nhưng toàn xài luật RỪNG” thưa Tổng Bí thư?

Vụ nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 và nhận “lại quả” từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, được xác định là một trong những đại án, do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

Ban đầu, theo người phát ngôn của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, cho biết, Công ty Việt Á của Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt, bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45%, và “lại quả” cho các đối tác với số tiền hơn 800 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến nay, đã có hơn 100 người bị khởi tố liên quan đến “đại án” Việt Á. Trong số này, có gần 100 quan chức ở cấp Trung ương và địa phương bị vướng vào vòng lao lý, trong đó có những người từng là cựu Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng.

Mới nhất, báo Tiền Phong ngày 30/11, cho biết, “Đại án Việt Á: Cựu Giám đốc CDC tỉnh Nam Định lĩnh 16,5 năm tù”.

Bản tin cho biết, ngày 30/11, Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định vừa mở phiên xét xử sơ thẩm, và tuyên cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định (CDC) Đỗ Đức Lưu 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; 3 năm 6 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành 16 năm 6 tháng tù giam.

Theo cáo trạng, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021, lợi dụng công tác phòng, chống cấp bách dịch COVID-19, Giám đốc Đỗ Đức Lưu đã chỉ đạo ký năm hợp đồng mua vật tư y tế với Công ty Việt Á.

Trong đó, 4 hợp đồng chỉ định thầu mua kit test, với tổng số tiền đã được thanh, quyết toán là hơn 21 tỷ đồng. Riêng với hợp đồng số 5 có giá trị trên 30 tỷ đồng, nhưng đơn vị này chưa thanh toán cho Công ty Việt Á.

Việt Á đã trích tiền phần trăm là 3,1 tỷ đồng theo giá trị hợp đồng, cho Kế toán trưởng Trung tâm là ông Vũ Ngọc Tuyên. Sau đó, ông Tuyên báo cáo cho Giám đốc Đỗ Đức Lưu số tiền Việt Á chuyển chỉ là 1,255 tỷ đồng, và được đưa vào quỹ của Trung tâm, sử dụng chung cho nhiều mục đích. Số còn lại gần 2 tỷ, ông Vũ Ngọc Tuyên đã ỉm đi làm của riêng.

Giới chức ngành y tế cho rằng, bản án mà tòa tuyên phạt đối với Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu, ở mức 16 năm 6 tháng tù giam, là quá nặng, nếu so với bản án 11 năm tù cùng tội danh, của Giám đốc CDC Hà Giang. Có nhiều những tình tiết cần được xem xét để giảm nhẹ cho ông Đỗ Đức Lưu, nhưng tòa chưa xem xét đến.

Cụ thể:

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra, nguồn kit test thiếu trầm trọng, kit test của nước ngoài có nhưng ít và rất đắt, với giá khoảng từ 1,4 đến 1,5 triệu.

Đúng lúc đó, Công ty Việt Á và Học viện Quân y đã “nghiên cứu”  thành công kit test “dỏm”, nhưng được truyền thông của Đảng quảng bá rầm rộ, báo chí tung hô. Khi đó, kit test Việt Á báo giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, chưa bằng 1/3 giá mua của nước ngoài, nên hầu hết CDC các tỉnh đều tìm mua của Việt Á là chuyện đương nhiên. Vì lúc đó, muốn mua của nơi khác cũng không có.

Hơn nữa, thủ tục mua sắm khá phức tạp, trong khi dịch bùng phát, với đòi hỏi “chống dịch như chống giặc”, thì Việt Á lại cho mua chịu để sử dụng trước.

Công luận thấy rằng, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cũng ở tình thế đó, khi quyết định vay kit test của Việt Á. Về lý, đương nhiên là sai quy định, nhưng lúc ấy, không vay thì lấy đâu kit test để xét nghiệm, để phân loại, cách ly… thì làm sao có thể chống dịch theo chỉ đạo?

Thời điểm đó, không riêng CDC Nam Định mua chịu của Việt Á, mà hầu hết CDC của các tỉnh, thành phố khác, cũng bắt buộc phải làm như vậy. Vì việc vay kit test để chống dịch là tình thế bắt buộc, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến cực kỳ phức tạp. Nếu chờ đấu thầu như quy định thì phải mất vài ba tháng.

Kết luận điều tra cũng cho thấy, Giám đốc Đỗ Đức Lưu hoàn toàn không liên quan, không trực tiếp thoả thuận với Việt Á, và hoàn toàn không biết về số tiền “lại quả” 3,1 tỷ đồng. Kế toán trưởng Vũ Ngọc Tuyên mới là người thoả thuận với Việt Á, cũng như trực tiếp nhận tiền hoa hồng từ Việt Á.

Khi biết đến số tiền “cảm ơn” của Việt Á, Giám đốc Lưu cũng không cầm riêng, mà yêu cầu Kế toán trưởng Tuyên chuyển cho Phòng Kế hoạch để làm quỹ chung. Dù vậy, Giám đốc Đỗ Đức Lưu cũng đã sai. Sau này, khi chia tiền, ông Lưu được nhận 85 triệu đồng, nhưng có lẽ không có yếu tố “vụ lợi”.

Khi so sánh việc ông Đỗ Đức Lưu nhận 85 triệu, và phải chịu bản án 16 năm 6 tháng tù giam, với việc tha bổng không truy tố đối với 7 cán bộ trong Đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ trong vụ Ngân hàng SCB, thì thấy sự thiên lệch quá lớn. Các cán bộ của Đoàn Thanh tra SCB nhận tiền nhiều lần, có người nhận tới 300 triệu, nhưng vẫn không bị truy tố.

Tại sao, một bên nhận 300 triệu trực tiếp, trong vụ Ngân hàng SCB, thì không tính là nhận hối lộ, còn bên khác nhận 85 triệu mà phải chịu đến 16 năm 6 tháng tù giam?

Đó là chưa so sánh với trường hợp ông Chu Ngọc Anh, nhận 200 ngàn USD từ Phan Quốc Việt, còn được Bộ Công an miễn truy tố vì không có sự đòi hỏi (!?).

Đúng như lời Luật gia Ngô Bá Thành từng nhận xét, “Chúng ta có một rừng luật, nhưng khi xét xử thì toàn xài luật RỪNG.”./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023