Việt Nam muốn gửi thông điệp gì khi mời Putin sang thăm?

Link Video: https://youtu.be/nlRBPZPjkfM

Ngày 30/10, RFI Tiếng Việt có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp, với tựa đề “Thăm Việt Nam, Tổng thống Putin không lo bị bắt theo lệnh truy nã của CPI – Tòa Hình sự Quốc tế?”

Theo RFI, Tổng thống Vladimir Putin “vui vẻ nhận lời mời” thăm Việt Nam của Chủ tịch Võ Văn Thưởng, trong cuộc gặp ngày 17/10 bên lề Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong khi, ông Putin cũng đang phải đối mặt với lệnh truy nã quốc tế do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành.

Ông Laurent Gédéon cho biết, ông Putin có “sớm” đến thăm Việt Nam không, thì cần nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ Nga – Việt.

Chuyến công du đầu tiên đầy ấn tượng của Tổng thống Nga, khi ông Putin mới lên nắm chính quyền, diễn ra vào tháng 3/2001. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, tập trung tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, hạt nhân, công nghệ, quân sự, văn hóa và học thuật.

Ông Laurent Gédéon nhận xét, có lẽ năm 2024 là thời điểm phù hợp cho chuyến công du chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga, vì tròn 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga (1994 – 2024).

Về lệnh truy nã ông Putin của Tòa CPI, ông Laurent Gédéon cho rằng, cả Việt Nam và Nga đều không tham gia Công ước Roma.

Ông Laurent Gédéon nhắc đến một tiền lệ, về trường hợp cựu Tổng thống Sudan Omar El-Béchir. Tháng 6/2015, ông Omar El-Béchir, bị truy tố vì tội diệt chủng ở Darfour, đến Nam Phi dự Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi. Dù ký Công ước Roma nhưng Nam Phi đã từ chối bắt ông Omar El-Béchir, trước khi ông vội rời khỏi nước này.

Ông Laurent Gédéon cũng nhắc lại trường hợp của cựu Tổng thống Chilê Augusto Pinochet, là đối tượng trong lệnh bắt quốc tế của một bồi thẩm đoàn quốc gia Tây Ban Nha. Tướng Pinochet bị chính quyền Anh bắt vào tháng 10/1998, khi đến nghỉ ở Anh Quốc. Bị quản thúc tại gia, nhà cựu độc tài trở thành đối tượng bị dẫn độ, theo quyết định của các thẩm phán Anh. Nhưng biện pháp này chưa bao giờ được thi hành cho đến khi ông Pinochet được trả tự do và trở về Chilê năm 2000.

Chính quyền Nam Phi đã tỏ ra do dự, thậm chí còn nêu khả năng rút khỏi Quy chế Roma, khi có khả năng ông Putin đến Nam Phi dự Thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023. Tổng thống Nga đã quyết định hủy bỏ chuyến đi, vì phần nào không muốn đẩy đối tác Nam Phi vào thế khó xử.

Hình: Bài phỏng vấn trên RFI

Ông Laurent Gédéon đánh giá, đối với Việt Nam, ông Putin là khách mời chính thức, chứ không phải đến nhân dịp nào đó. Đồng thời, cả 2 nước đều không tham gia Quy chế Roma. Do đó, khả năng Tòa án Hình sự Quốc tế gây sức ép, có lẽ sẽ rất hạn chế.

Trong những điều kiện kể trên, có thể thấy rằng, không phải khía cạnh pháp lý sẽ đè nặng lên việc đánh giá rủi ro cho chuyến công du, mà là khía cạnh chính trị.

Theo ông Laurent Gédéon, Hà Nội có lẽ sẽ bị gây sức ép từ hai đối tác chính : Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Về phía Bắc Kinh, khó có thể thấy Trung Quốc nhất quyết yêu cầu Việt Nam dẫn độ đồng minh thân cận nhất của họ.

Về phía Hoa Kỳ, cần phải tính đến chủ đích của Washington muốn xích gần Việt Nam về mặt địa chiến lược. Mỹ chủ trương vượt một bước trong mối quan hệ song phương và tiến tới hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, mà việc này đã được thực hiện. Rất có thể, Mỹ chỉ gây sức ép mang tính biểu tượng, thông qua tuyên bố về chuyến công du của Tổng thống Nga, nếu nó diễn ra.

Ông Laurent Gédéon đánh giá, qua lời mời Tổng thống Nga, Hà Nội gửi đi ba thông điệp.

Trước tiên là thông điệp gửi đến Nga, bày tỏ mong muốn của Việt Nam tiếp tục quá trình hợp tác, cũng như sự coi trọng của chính quyền Việt Nam đối với Nga.

Thông điệp thứ hai được gửi đến Trung Quốc. Hà Nội muốn cho Bắc Kinh thấy là, họ duy trì mối quan hệ đặc quyền với Nga, quốc gia mà Trung Quốc cũng có mối quan hệ gần gũi sâu sắc.

Thông điệp cuối cùng được gửi đến Hoa Kỳ. Hà Nội muốn đánh dấu sự khác biệt và tự chủ trong quyết định đối với Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định rằng, Việt Nam không đi theo chương trình hành động của Washington.

Hoàng Anh

>>> Khi lòng tham đội lốt chính sách phát triển, sẽ có vô số Long Sơn khác nổi lên! (bài cuối)

>>> Công an, tòa án và tuyên giáo bày thiên la địa võng, dân Long Sơn – Nghi Sơn hết đường! (bài 5)

>>> Tại sao các nước Ả Rập sợ người Palestine

>>> Hàng loạt bê bối của lãnh đạo Bắc Ninh bị vạch trần, sau vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xài bằng giả? (phần 2)

Tự nhiên tặng xe đạp, chắc chắn có “âm mưu”!

Kasse animation 7.8.2023