Không thể tin: Muốn mổ, bệnh nhân phải bỏ tiền mua cả bông băng, kim tiêm…?

Chuyện muốn mổ, bệnh nhân phải bỏ tiền và ra ngoài mua vật tư y tế, từ bông băng, kim tiêm… với lý do bệnh viện phải chờ thầu. Đó là chuyện khó tin, nhưng ở Việt Nam hiện nay, lại là điều phổ biến.

Đây không phải là chuyện mới, từ ngày 17/6/2022, Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo về tình trạng có nhiều bệnh viện địa phương đang thiếu các vật tư y tế và thuốc chữa bệnh, chủ yếu là các loại thông dụng và thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương. Điều đó đã gây ảnh hưởng đáng kể đến việc khám chữa bệnh cho người dân.

Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra khi đó là, do việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập.

Ngay sau đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương, ngày 23/6/2022, để bàn về giải pháp cung ứng thuốc, vật tư… cho ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, do nhiều cán bộ “sợ, không dám chịu trách nhiệm”.

Câu chuyện đó tưởng đã là chuyện cũ, sau hơn một năm, có lẽ tình trạng sẽ được cải thiện tốt hơn. Nhưng thực tế, chuyện này lại đang xảy ra phổ biến, trầm trọng hơn, ở nhiều bệnh viện trên cả nước.

Báo Tuổi Trẻ ngày 25/10 đưa tin về vấn đề này, với một cái title không thể thê thảm hơn, “Bình Phước: Bệnh nhân phải ra ngoài mua từ bông băng, kim tiêm… do bệnh viện phải chờ thầu”.

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 25/10, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã xác nhận, Bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, và người bệnh phải mua ở bên ngoài.

Theo lãnh đạo Bệnh viện, sau những sự cố xuất phát từ dịch COVID-19, cùng việc các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi liên tục, dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai. Một bộ phận còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm. Cộng thêm việc một số doanh nghiệp và các nhà cung cấp e ngại, do liên quan đến giá cả chưa hợp lý, thủ tục phức tạp, khó khăn.

Báo Tuổi Trẻ còn cho biết thêm, “… trước đó, nhiều người dân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước bức xúc, vì dù có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc bên ngoài mua từ bông băng, kim tiêm…

Trường hợp bệnh nhân Bùi Ngọc Thanh Phương (ngụ huyện Bù Đăng) được chỉ định mổ do gãy xương đòn. Dù có bảo hiểm y tế, bác sĩ liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp… với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng.”

Vấn đề này còn đổ gánh nặng về chi phí y tế lên bệnh nhân, khi họ phải bỏ tiền túi ra để mua vật tư y tế, theo yêu cầu của bác sĩ. Nhưng trong hợp đồng bảo hiểm y tế, không có quy định thanh toán các khoản chi ngoài bệnh viện. Đó là chưa kể tới chất lượng thuốc mua từ bên ngoài có đảm bảo chất lượng hay không?

Vấn nạn tham nhũng trong ngành y tế Việt Nam hiện nay là hết sức trầm trọng, với nhiều vụ việc như nhập thuốc giả, thổi giá trang thiết bị, sử dụng sai mục đích quỹ bảo hiểm y tế…

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, tình trạng lũng đoạn và tham nhũng trắng trợn, bất chấp sinh mạng người dân của giới chức y tế cấp cao. Việc hàng loạt các quan chức y tế từ Trung ương đến các địa phương đã bị khởi tố, bắt giam, vì những sai phạm liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, thuốc men… Đặc biệt là đợt dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021, đã cho thấy điều đó.

Một bác sĩ ở Thủ Đức trao đổi với thoibao.de với điều kiện ẩn danh, cho biết lý do và nguyên nhân sâu xa:

“Đó là do trước đây người ta làm bậy, bây giờ bị thổi còi, nên họ chả dám làm nữa. Khi không nâng giá để kiếm lời được nữa, thì họ mặc kệ, rồi lấy lý do vì sợ trách nhiệm, sợ kỷ luật thôi.”

Xin nhắc lại vụ đại án Việt Á đã gây chấn động trong ngành y tế Việt Nam. Đó là một vụ “móc ngoặc” vô tiền khoáng hậu. Công ty Việt Á đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên gấp nhiều lần, và chi hoa hồng rất lớn cho các cá nhân, đơn vị, mua mặt hàng này của Công ty này trong đại dịch.

Đã có khoảng 70 quan chức của Bộ Y tế, Bộ Khoa học – Công Nghệ và lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC)… cùng hàng loạt lãnh đạo các bệnh viện trên cả nước, đã bị khởi tố, bắt giam, do dính líu đến đại án Việt Á. Trong đó có 2 ủy viên Trung ương Đảng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm cực Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023