Con em lãnh đạo không đi lính, khi chiến tranh ai sẽ cầm súng chiến đấu chống quân thù?

Xung đột Israel – Palestine trong những ngày gần đây đã trở thành tâm điểm của thế giới. Có một điều đáng ngưỡng mộ là, khi đất nước Israel lâm vào tình trạng chiến tranh, rất ít người Israel chạy ra nước ngoài.

Trái lại, hàng chục ngàn người Israel ở ngoại quốc lại hối hả tìm mọi cách về nước càng sớm càng tốt, để trình diện và tham gia chiến đấu, với cùng một quyết tâm bảo vệ tổ quốc Israel của họ. Và đó là lý do vì sao, chỉ trong vòng 2 ngày, Israel đã có thể huy động đến 300 nghìn quân dự bị.

Trên mạng xã hội nhiều ý kiến nhận xét, “trông người, rồi ngẫm đến ta”, chuyện chiến sự ở Israel buộc chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại thực trạng Việt Nam, nếu một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Có những vấn đề cần đặt ra, như: Tại sao thanh niên Việt Nam luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự? Có bao nhiêu con em cán bộ lãnh đạo đi lính?

Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/11/2014, có một bài viết với tiêu đề “​Con em cán bộ ít nhập ngũ”. Bài báo cho biết:

“Chiều 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi), với rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc tuyển quân.”

Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, tồn tại sự bất công bằng trong nghĩa vụ quân sự.

Ông Thịnh nói: “Tôi để ý hằng năm khi tuyển quân ở địa phương thì rất ít con em cán bộ, đảng viên phải nhập ngũ. Cần đặt ra vấn đề là những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải làm nghĩa vụ gì đó thay thế để đảm bảo công bằng.”

Vẫn theo báo Tuổi trẻ, bàn về nghĩa vụ thay thế, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu đưa vào Dự thảo luật này hình thức đóng tiền hoặc lao động công ích, để thay thế nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh – không đồng ý về việc có thể sửa Luật để cho phép đóng tiền, để thực hiện “nghĩa vụ thay thế”, mà không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo ông, điều đó trái với Hiến pháp và đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được. Lý do, “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ mà một công dân bắt buộc phải thực hiện trong quân đội hoặc các tổ chức bán vũ trang và không được quyền lựa chọn.”

Nêu quan điểm về vấn đề này, một bác sĩ từng là cựu chiến binh ở Hải Phòng, nói với thoibao.de với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết:

“Tôi thấy cái đó tạo ra sự bất bình đẳng, nó tạo ra sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Việc dùng tiền để đóng thay cho việc đi nghĩa vụ [quân sự], sẽ làm cho xã hội càng đề cao vai trò của đồng tiền. Việc dùng tiền để thay cho cái nghĩa vụ ấy, nó sẽ gây ra bất ổn xã hội về mặt tâm lý. Con em của các gia đình nghèo không có tiền thì người ta cảm thấy bất công, và cái điều đó có thể dẫn đến tâm lý bất mãn trong xã hội.”

Trả lời câu hỏi, phải chăng đó là lý do, có rất nhiều gia đình luôn tìm cách chạy chọt để con em mình không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không? Vị bác sĩ này cho biết:

“Chúng ta có thể nhận ra một thực tế là, hầu như không có con, cháu của các lãnh đạo nào đi nghĩa vụ quân sự cả. Những hiện tượng trên sẽ gây ra một hậu quả tất yếu là, quân đội Việt Nam ngày càng bệ rạc, sức chiến đấu giảm sút, và khó lòng đảm đương được trọng trách bảo vệ tổ quốc, một khi chiến sự xảy ra.”

Trên thực tế, vụ án chuyến bay giải cứu mới đây cho thấy, nhiều quan chức lãnh đạo tham nhũng, có khối tài sản kếch xù, đã đưa thân nhân ra nước ngoài định cư. Trong khi đó, tầng lớp doanh nhân và chính khách Việt Nam thì lũ lượt tìm kiếm thẻ xanh ở quốc gia khác, cũng là chuyện rất phổ biến. Những CEO như Nguyễn Phương Hằng, hay các đại biểu Quốc hội như Phạm Phú Quốc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường… đều có thêm quốc tịch Syrus, Malta… là những ví dụ.

Ông Hồ Chí Minh từng nói, “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

Đó là lý do công luận thấy rằng, lãnh đạo quốc gia đừng đẩy tất cả trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự đó cho nhân dân. Trong lúc, cán bộ lãnh đạo luôn được giáo dục, học tập tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh nhưng lại làm ngược lại lời ông Hồ./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023