Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 2/10 vừa qua. Dự kiến, Hội nghị này sẽ kéo dài khoảng 8 ngày, với rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có nội dung xem xét kỷ luật một số cựu và đương kim ủy viên Trung ương, cũng như bàn và xem xét cơ cấu nhân sự chủ chốt cho Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.
Trước Hội nghị Trung ương 8, tin hành lang của giới thạo tin cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với thắng lợi tuyệt đối trong việc tổ chức và đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, đồng thời nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất; đã khiến cho vai trò của 3 “trụ” còn lại Chính, Huệ, Thưởng trở nên quá lu mờ. Khả năng cao, ông Trọng sẽ “tiện tay dắt dê” để ngồi tiếp ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14.
Trong khi, đến Đại hội 14, ông Nguyễn Phú Trọng đã ngồi ghế Tổng Bí thư của Đảng được ba nhiệm kỳ. Ở tuổi 82, ông bị quá cả về độ tuổi (quy định không quá 65) và cả về số nhiệm kỳ (không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp).
Giới quan sát trong nước cũng như quốc tế cho rằng, có lẽ, một phần vì lý do này, nên lần đầu tiên, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị tập thể Ban Chấp hành Trung ương tiến hành mổ xẻ chi tiết và không thương tiếc.
Trách nhiệm này liên quan tới vai trò cá nhân của ông Trọng, trên cương vị Trưởng Tiểu ban Nhân sự của hai kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 và 13.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 5/10, website của Đài tiếng nói Việt Nam có bài viết khá nặng ký, với tiêu đề: “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII”.
Trong đó dẫn chứng lại việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; ông Trịnh Văn Chiến cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; hay cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đối với ông Điểu K’ré – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông.
VOV dẫn lời ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – thẳng thắn đánh giá cho rằng, “Để công tác quy hoạch cán bộ hiệu quả, quan trọng nhất là phải chọn đúng người. Tuy nhiên, ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương.”
Và “… công tác bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta đã để lọt cán bộ khi đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và đã cho thấy quy trình chọn lựa nhân sự chặt chẽ nhưng vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.”
Điều đó hoàn toàn phù hợp với đánh giá của công luận, cũng như giới quan sát chính trị trong và ngoài nước, trước Hội nghị Trung ương 8 đều thống nhất cho rằng:
“Từ việc chọn nhân sự tuỳ hứng, phe nhóm, chạy chọt, không khoa học và không công tâm, dẫn đến hệ quả khủng hoảng nhân sự. Một Ban Chấp hành Trung ương từng được ca tụng là “đội ngũ ưu tú”, là “tinh hoa của Đảng”, nay tả tơi như “áo vũ cơ hàn” mà không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm…
Ông Trọng là lãnh tụ tối cao của Đảng, luôn kêu gào phải công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường trong lựa chọn nhân sự khóa 13… [nhưng] Đảng lựa chọn đội ngũ của Đảng quá “xuất sắc”, để hôm nay dân tình nhìn thấy rõ bộ mặt nhân sự “tinh tú” chủ chốt từ địa phương đến cung đình, đều là một lũ tham lam vô độ, ăn cướp trắng trợn, gây tội ác “trời không dung, đất không tha”, qua các đại án “Việt Á” “chuyến bay giải cứu”, “vụ AIC”…”
Nếu biết rằng, một đồng hương và cũng là một trong những đồng minh thân cận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, chính là đương kim Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – ông Đỗ Tiến Sỹ; đồng thời, liên hệ với bài viết “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII” của Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây; thì phải chăng, rất có thể, đó là một thông điệp của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, muốn gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Thôi, ông hết thời rồi. Hãy nghỉ đi!”./.
Trà My – Thoibao.de