Bản tin ngày 5/10 của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, “Bộ Tư pháp Mỹ: Albemarle chi 3,5 triệu đôla để “bôi trơn” tại Việt Nam; chi 6,5% hoa hồng”.
Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nhờ sự môi giới của một công ty trung gian Việt Nam, Công ty Albemarle của Mỹ có được mối quan hệ kinh doanh và hợp đồng với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong giai đoạn 2013 – 2017. Công ty Albemarle đã phải chi tiền đút lót cho cán bộ dầu khí Việt Nam, thông qua đối tác trung gian, với số tiền lên đến 3,5 triệu đô la.
Đây là kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đối với công ty Albemarle có trụ sở tại tiểu bang North Carolina. Công ty này đã đồng ý trả hơn 218 triệu đôla, để dàn xếp cáo buộc hối lộ cho quan chức tại các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở ba quốc gia: Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Tài liệu đề ngày 28/9/2023 của Bộ Tư pháp Mỹ nhận định rằng, Công ty Albemarle thu lợi nhuận khoảng 98,5 triệu đôla từ việc đút lót cho các nhà máy lọc hóa dầu tại các quốc gia nêu trên. Trong đó, có 69,25 triệu đôla thu từ Việt Nam. Đồng thời cho biết, đối tác trung gian ở Việt Nam là một công ty có trụ sở tại Việt Nam, trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2017.
Công ty trung gian này đã được Công ty Albemarle thuê môi giới, với tỷ lệ hoa hồng 4,25%. Nhưng Albemarle đã chấp thuận tăng hoa hồng cho đối tác này lên 6,5%, do phải chi nhiều hơn cho các quan chức Chính phủ Việt Nam, “từ cấp thấp đến cấp cao”.
Trong các email thương lượng về số tiền hoa hồng giữa đại diện trung gian Việt Nam và đại diện của Albemarle, công ty trung gian hứa sẽ ký được hợp đồng dài hạn với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn PetroVietnam quản lý, nhưng yêu cầu tăng hoa hồng “để giành được công việc”, và cho biết, cần “hỗ trợ tăng hoa hồng lên tới 10%”. Sau nhiều lần thương lượng, Albemarle đồng ý tăng hoa hồng từ 4,25% lên đến 6,5%, mặc dù bên công ty trung gian Việt Nam đòi trả 7%, thậm chí 10% tiền hoa hồng.
Được biết, sau đó, Albemarle cũng sử dụng công ty trung gian Việt Nam và các mối liên hệ của công ty này, để chi tiền cho các quan chức của PetroVietnam, qua đó giành được công việc kinh doanh tại nhà máy lọc dầu thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Một số nhà quan sát từ Việt Nam cho thoibao.de biết, phát hiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về vụ tham nhũng ở PetroVietnam, cũng như ở hai nhà máy lọc dầu lớn Bình Sơn và Nghi Sơn, chỉ là một số ít trong vô vàn các vụ việc quan chức Việt Nam nhận hối lộ từ các đối tác nước ngoài, nhưng chưa bị phanh phui. Việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư hay muốn trúng thầu tại Việt Nam, thì phải lại quả phần trăm cho các quan chức ở Việt Nam, là điều bắt buộc, như một thứ luật bất thành văn.
Ngày 27/7/2017, VOA từng cho hay, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh Quốc tiết lộ rằng, các quan chức Chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác Mỹ trả 25% hoa hồng, cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Thông tin từ một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho hay, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết, trong một cuộc họp tại Hà Nội, rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 tổng giá trị. Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại”, sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết thông tin này tại một Hội nghị và triển lãm phòng thủ hàng hải IMDEX, được tổ chức ở Singapore vào tháng 5/2017.
Trả tiền hoa hồng, “lại quả” hay “phí bôi trơn”… là điều rất phổ biến ở Việt Nam. Đây được coi là một hình thức “hối lộ” trá hình. Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả “phí bôi trơn” cho quan chức, để việc kinh doanh được thuận lợi.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng vào năm 2022, Việt Nam có chỉ số cảm nhận tham nhũng là 42 trên 100 điểm, đứng thứ 77 trên 180 nước, vẫn nằm trong số các nước có nhiều tham nhũng./.
Trà My – Thoibao.de