Hàng loạt chuyện “nhạy cảm” xảy ra vào thời điểm ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội, vào trung tuần tháng 9/2023, càng khiến cho dư luận hoài nghi, phải chăng có sự chỉ đạo “giật dây” từ Ban Tuyên giáo.
Chuyện thứ nhất, Tiến sĩ Chu Hồng Quý viết trên trang Facebook cá nhân một status với tiêu đề “Biến căng rồi!”
Tác giả cho biết:
“Giáo sư Hoàng Chí Bảo bóc phốt, Trung ương Đoàn mạo danh Bác Hồ để phịa ra hẳn cả một bức thư, giả danh bác gửi cho thiếu nhi, rồi cắt gọt, tỉa tót thành NĂM ĐIỀU BÁC DẠY mà đếch có điều nào yêu thương ông bà cha mẹ.
Không phải một lần mà nhiều lần Trung ương Đoàn đã mạo danh Bác. Riết rồi hổng biết cái gì thật, cái gì giả. Hoang mang quá! Mần mình lỡ yêu Bác mấy chục năm. Giờ chắc phải chuyển qua yêu bác Bảo như yêu bác Hồ bác Mao mất.
Theo ông Kim Văn Chính, cựu giảng viên của Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, bình rằng, “Cứ chê Hoàng Chí Bảo chứ có lúc ông cũng loé sáng. Có thể vì để “câu khách”, “”câu like”, ông [Hoàng Chí Bảo] đã vượt qua giới hạn.
Ông đã bắt đầu bóc mẽ những điều giả dối trong các “lời dạy” của Hồ Chí Minh, đầu tiên là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên.
Thực ra, điều ông Bảo nói không mới (xem comment về bài của Nguyễn Quang Lập), nhưng qua phát ngôn của ông Bảo nó thành to chuyện …”
Khi tìm vào trang Facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập (tức Bọ Lập), có một status với tựa đề “Năm điều bác… Hồ Trúc dạy”. Theo đó, Bọ Lập viết:
“Ngày 15/5/1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đội Thiếu niên Tiền phong, Trung ương Đoàn muốn có thư Bác Hồ gửi cho các cháu thiếu nhi. Nhưng khi đó, Bác đang ở nước ngoài. Ông Hồ Trúc lúc đó là Bí thư Trung ương Đoàn, đành soạn ra thư Bác Hồ gửi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Cuối thư có 5 điều Bác Hồ dạy.
Khi Bác [Hồ] về, ông Hồ Trúc mang thư đến báo cáo Bác. Bác đọc muốn sửa chữa đôi chỗ, nhưng nói, mà thôi, báo đăng rồi, không sửa nữa. Và từ đấy, các cháu thiếu niên nhi đồng đều học tập theo lời bác Hồ … Trúc dạy. He.he..
P/S: Sách “Chúng ta có Bác Hồ” 3 tập của Nhà Xuất bản Lao Động có đăng chuyện này, nói rằng, bức thư trên là của vợ ông Nguyễn Khánh Toàn Ủy ban Khoa học Việt Nam viết. Bà này tên gì ở Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, quên mất rồi. Nhưng chuyện này tôi trực tiếp nghe kể từ ông Hồ Trúc”.
Chuyện thứ hai là, Thượng tá, nghệ sĩ Quang Tèo phong Hồ Chí Minh làm “tổ nghề sân khấu’”. Theo đó, mạng xã hội đang tranh cãi xung quanh tấm ảnh chụp bức tượng Hồ Chí Minh ở trung tâm bàn thờ, trong buổi lễ “giỗ tổ sân khấu”, do diễn viên hài Quang Tèo tổ chức tại tư gia.
Ông Kim Văn Chính tiết lộ, Quang Tèo, tên thật là Nguyễn Tiến Quang, là nghệ sĩ xuất thân từ quân đội, mang quân hàm Thượng tá. Thời kinh tế thị trường, nghệ sĩ Quang Tèo thành công trong các vai hề tầm phào rẻ tiền, cùng với nghệ sĩ Giang Còi. Nhưng Quang Tèo được công chúng bình dân ưa chuộng, nên biểu diễn cũng thành công, sau vài năm thu đủ tiền trở thành nghệ sĩ “đại gia”, có biệt thự rộng 1.000m2 ở Thạch Thất, Hà Nội.
Vẫn theo ông Kim Văn Chính, Quang Tèo nhiều lần thực hiện quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng sai quy định, nên đã báo chí bị phê phán nhiều lần.
Gần đây, Quang Tèo học theo Hoài Linh, tổ chức lễ giỗ tổ nghề sân khấu ngay tại biệt thự của anh ta. Cái bàn thờ giỗ tổ nghề lại đặt tượng Hồ Chí Minh ở chính giữa. Như vậy là, Quang Tèo phong Hồ Chí Minh là cụ tổ nghề của bọn họ, trong khi ông Hồ chưa từng làm nghề sân khấu mua vui thiên hạ; nghề đầu bếp, thợ ảnh thì có.
Lập tức, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến suy đoán, có lẽ, Quang Tèo căn cứ vào tấm ảnh Hồ Chí Minh cầm khăn lau nước mắt, rơm rớm vờ khóc cho nạn nhân Cải cách Ruộng đất. Vì thế, nghệ sĩ Quang Tèo phong ông Hồ làm tổ nghề, là điều rất “đúng bài”.
Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam hôm qua với hôm nay không còn là… một. Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay theo kinh tế thị trường, là đặc trưng của Chủ nghĩa Tư bản, là điều trái ngược 180 độ so với Chủ thuyết Cộng sản mà ông Hồ Chí Minh mang về Việt Nam. Điều đó càng khiến cho dư luận nghi ngờ, “Phải chăng, đang có chủ trương hạ bệ Hồ Chí Minh theo chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo Trung ương, mà Giáo sư Hoàng Chí Bảo là người nổ phát pháo lệnh?” ./.
Trà My – Thoibao.de