Giun tặc tàn phá vườn cam để kích giun bán cho Trung Quốc

Link Video: https://youtu.be/Fkf2p_dfK7k

Ngày 25/9, RFA Tiếng Việt có bài “Hòa Bình: Chủ vườn khổ sở nạn kích giun bán cho Trung Quốc”.

Phóng viên RFA có mặt tại thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, và ghi nhận ý kiến các chủ vườn cây ăn quả tại đây, để tìm hiểu rõ hơn vấn nạn này.

RFA dẫn lời nhiều chủ vườn cam ở đây cho biết:

“Hiện giờ thu mua giun từ Trung Quốc, thuê người Việt Nam kích tất cả các loại giun, vào đánh tất cả các vườn cam… Họ toàn kích vào gốc cây cam, chứ không kích vào đất trắng, thế nên phần rễ cây cam bị xung điện, cháy hoàn toàn hệ thống rễ tơ.”

“Cam, chuối, tất cả các loại cây trồng nó vào kích là hỏng hết bộ rễ.”

RFA cho biết, nhu cầu giun đất khô ở Trung Quốc trong những năm gần đây tăng mạnh, do giun đất được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền, chữa nhiều căn bệnh phổ biến liên quan tới tim mạch, gan, phổi, xương khớp.

Theo chia sẻ của người chủ vườn cam Cao Phong, thì:

“Hiện tượng này xảy ra tầm độ 3 – 4 năm nay rồi… Nhưng trước đây họ đánh kích giun chưa hiện đại, bây giờ nó đưa tất cả các máy lớn và bí mật đi về khuya đêm lúc người dân yên ngủ. Thứ hai nữa là thời tiết mưa thì họ mới đi kích mạnh, còn nắng họ không kích, vì mưa người dân không vào trong đồi nên người ta tới kích trộm.”

Vẫn theo chủ vườn cam, giun được thu gom ở nhiều tỉnh miền Bắc, đem về sấy, rồi nhập cho một đầu mối ở Lạng Sơn để chuyển sang Trung Quốc, mỗi ngày cả tấn giun khô, với giá thành phẩm dao động từ 500 ngàn đồng đến một triệu đồng một ký.

Hình: Bài trên RFA

RFA cho hay, vào mùa mưa, từ khoảng tháng 4 – 5 đến tháng 9 – 10 tại miền Bắc, giun chui lên mặt đất nhiều, giun tặc hoạt động càng mạnh. Vì vậy, các chủ vườn phải tự bảo vệ vườn tược của mình:

“Hàng tối cứ rủ nhau đi rình, nó cũng sợ nhiều, có nhà còn lắp cả cam (camera) để theo dõi.”

Các đầu nậu, cứ “đêm đến họ đi xe thu mua của người dân, và đầu tư máy. Tức là, nếu giun tặc bị bắt thì “họ lại đầu tư cho, coi như mất một máy thì họ đầu tư mười máy”.

Vừa rồi, một số người dân ở Cao Phong phát hiện được kích giun, quây một số thanh niên để bắt, nhưng họ chạy mất, chỉ thu được dụng cụ kích giun.”

“Người dân không thể nào quản lý được hết và chính quyền chưa có chế tài để xử phạt, người dân bắt được phải thả nó ra. Chưa có hình thức thích đáng để bắt tặc giun.”

RFA dẫn báo Đại Đoàn Kết ngày 30/8 cho hay, cơ quan Công an huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, trước đó đã phát hiện và bắt giữ hai xe chở giun đất, thu giữ hơn 100 kg giun đất tươi. Tuy nhiên, đến tối đã thả người và phương tiện, do chưa có chế tài xử lý cụ thể.

Dù vậy, RFA dẫn văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình nêu rõ: “Hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Song, căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất, thì hình thức và mức xử phạt từ 2 triệu đến 150 triệu đồng tùy diện tích đất bị hủy hoại.”

RFA nhận xét, dù mức phạt lên đến hàng trăm triệu như vừa nêu, nhưng tình trạng kích điện giun được nhiều chủ vườn cho hay vẫn không thuyên giảm. Họ mong mỏi:

“Muốn nhà chức trách vào cuộc để chế tài bắt được những người kích giun, nhà máy sấy khô cấm triệt để, để không ảnh hưởng đến cây trồng bà con.”

“Người dân đi kích thật ra mà nói, văn hóa thấp chỉ biết lợi nhuận đồng tiền. Cả ngày đi làm công chỉ được 250 – 300 (ngàn đồng), mà đi kích một tối, người ta có thể có 2 – 3 triệu, nên lợi nhuận đó người ta rất tham, làm như không biết tác hại sản xuất của nhà nông.”

Xuân Hưng

>>> Sự thật về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng bằng tiến sĩ “dỏm” như thế nào?

>>> VinFast lỗ chổng vó, cổ phiếu bổ nhào, ông Vượng mang “thân tàn” VinFast Tây tiến!

>>> Nền kinh tế Việt Nam vẫn không có sự tự do sau 37 năm mở cửa

>>> Những bài học cho Nga trong cuộc chiến Ukraine

BBC Tiếng Việt tại London dừng hoạt động sau 70 năm

Kasse animation 7.8.2023