Ông Nguyễn Phú Trọng mời được Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, nên nhiều ý kiến đánh giá, ông Tổng Bí thư đã cởi mở hơn với phía Mỹ. Những ngày này người ta nói nhiều về việc ký nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Ngay sau đó là chuyến đi Mỹ của ông Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa mối quan hệ. Tuy nhiên, miệng ông Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn lải nhải câu: “Mỹ phải tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị”.
Cũng dễ hiểu, bởi thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản theo đuổi, là một sự thiệt thòi lớn cho dân cho nước, nhưng mang lại lợi ích vô biên cho Đảng và cho tất cả các quan chức. Với hàng triệu công chức và hàng chục vạn quan chức, thì việc cắt vài chục, thậm chí vài trăm nhánh củi khô, cũng chẳng là gì đối với lượng quan chức khổng lồ đang ngày đêm hút máu xã hội làm giàu.
Nước Mỹ tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vì họ muốn nâng cao sự ảnh hưởng của họ ở vùng châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là vì vị trí địa lý của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Nếu Việt Nam ngả về Mỹ, thì điều đó cũng có nghĩa, Trung Quốc sẽ ngày một cô đơn hơn. Bởi xung quanh Trung Quốc vốn đã có rất nhiều quốc gia thân Mỹ, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân thích Mỹ nhiều nhất, đến 78% người Việt Nam thích Mỹ, bất chấp những lời chửi Mỹ tràn ngập trên không gian mạng. Thực tế cho thấy, quan chức và đại gia luôn muốn chọn cho con cái du học Mỹ, đó là ưu tiên hàng đầu.
Dân thì nghiêng về Mỹ, nhưng Đảng thì không thể nghiêng hẳn về Mỹ, vì vấn đề thể chế chính trị. Nếu dân chủ hóa đất nước, thì quan chức Cộng sản không còn cơ hội để tham nhũng khủng như hiện nay. Cũng chính nguyên nhân này mà Đảng Cộng sản phải bám Tàu bằng mọi giá. Dân chủ hóa đất nước thì dân giàu nước mạnh, nhưng Đảng hỏng ăn. Bám vào thể chế độc tài toàn trị, thì dân nghèo nước hèn, nhưng Đảng lại được phè phỡn hưởng thành quả khai thác từ toàn dân.
Theo như thông tin chúng tôi được cung cấp, ông Nguyễn Phú Trọng bị thuyết phục bởi một ông Thượng tướng Quân đội, và ông Trọng đã xích lại gần Mỹ. Tuy nhiên, ông Trọng là người bảo thủ, đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi đất nước, nên sẽ không có chuyện ông gần gũi Mỹ về mặt chính trị. Về chính trị và an ninh, ông vẫn kết nối với Trung Quốc chặt chẽ hơn.
Mỹ và Tàu được ví như 2 quả cân, ông Nguyễn Phú Trọng đang phải gia giảm sao cho cán cân quan hệ giữa 2 cường quốc này vẫn cân bằng. Nếu ông gia thêm bên này một ít, thì bên kia, ông cũng phải tăng thêm một ít. Ông Trọng vẫn cân não trong mối quan hệ này.
Mối quan hệ với Mỹ khá lành tính, trong khi đó, mối quan hệ với Trung Quốc được xem là “ác tính”. Với Mỹ, Việt Nam xích lại gần Mỹ hay xa Mỹ, thì những người ra chính sách vẫn an toàn, không gặp nguy hiểm gì. Tuy nhiên, khi Việt Nam xích lại gần Mỹ và xa quỹ đạo của Trung Cộng, thì e rằng, những người ra chính sách sẽ không thọ. Đặc biệt là, quan chức trong Trung ương Đảng và trong Bộ Chính trị, đã xuất hiện những cái chết bất thường khá nhiều. Trong đó, ông Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang và Lê Văn Thành, đều đổ bệnh sau chuyến thăm Trung Quốc.
Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Hà Nội, thì ông Phạm Minh Chính cũng đã thăm Trung Quốc, rồi mới sang Mỹ. Ngoài ra, còn có ông Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – Tô Lâm – cũng có suất sang Bắc Kinh, sau khi ông Biden về nước 2 ngày. Đây là cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam cân đối trong mối quan hệ giữa 2 cường quốc. Thêm mối quan hệ với Mỹ, thì cũng vội vã sang Tàu ký tá thêm, để cho họ biết, Việt Nam “không ăn ở 2 lòng”.
Dân chủ hóa đất nước thì mới dân giàu nước mạnh. Mà chỉ có dân giàu nước mạnh mới dám ưỡn ngực, vươn vai trước ông láng giềng hung hăng. Đảng Cộng sản từ chối dân chủ hóa đất nước, thì điều đó cũng đồng nghĩa, họ dìm đất nước mãi ở thế nhược tiểu, rồi lúc nào cũng phải khép nép và chiều chuộng ông láng giềng phương Bắc.
Ý Nhi – Thoibao.de