Liệu Mỹ có đề cập đến vấn đề nhân quyền với Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Biden hay không?

Link Youtube: https://youtu.be/XvTcsjylf88

 

Ngày 9/9, đài VOA Tiếng Việt có bài “Các dân biểu Mỹ hối thúc Tổng thống Biden nói về nhân quyền khi đến Việt Nam”.

 

Theo đó, các nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng các cuộc hội đàm của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, để lên tiếng mạnh mẽ về hồ sơ nhân quyền “tồi tệ” của Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức bắt đầu vào Chủ nhật (10/9), trong đó có phần chắc quan hệ của hai nước sẽ được nâng cấp.

Theo VOA, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ chứng kiến mối quan hệ của hai nước được nâng từ mức “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện”, một bước nhảy vọt đáng kể, đặt Mỹ lên ngang bằng với các nước mà Việt Nam có quan hệ hữu hảo truyền thống, như Trung Quốc và Nga.

 

VOA dẫn lời Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, đồng Chủ tịch một khối các nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề về Việt Nam (Vietnam Caucus), nói rằng, bà hiểu Tổng thống Biden đang tìm cách mở rộng giao thương với Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Nhưng Mỹ có thể đáp ứng những nhu cầu của mình, thông quan các mối quan hệ đối tác và đồng minh vốn có ở châu Á.

Nữ dân biểu này cho biết:

“Tôi có hơn 200.000 cử tri người Mỹ gốc Việt sống ở Quận Cam và họ đến đất nước này để được hưởng những quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và đó chính xác là điều mà Việt Nam phải làm.” 

“Việt Nam có được rất nhiều cơ hội làm ăn, không chỉ từ Mỹ hay Hàn Quốc, mà còn những nước khác, vì nhiều doanh nghiệp né Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam phải chỉnh đốn lại, trước khi [Mỹ] bắt đầu bất cứ hoạt động kinh doanh nào với Việt Nam, vì họ rất khuất tất và vì họ đang xâm hại và giam giữ những tù nhân này nhắm đổi chác được điều gì đó.”

VOA dẫn số liệu thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project tại Mỹ cho biết, Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động.

VOA dẫn lời dân biểu Dân chủ Zoe Lofgren, đồng Chủ tịch khối Vietnam Caucus và đại diện một địa hạt Quốc hội ở miền trung California, nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Biden:

“Thiết lập quan hệ mạnh mẽ hơn với những người cộng sản ở Việt Nam mà không có được những cải thiện về nhân quyền sẽ là một cơ hội to lớn bị bỏ lỡ.” 

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn tồi tệ và giờ đang trở nên tệ hơn, chứ không hề tốt lên, và chúng tôi đã bày tỏ với Tổng thống những lo ngại của chúng tôi.”

 

Báo chí Mỹ nói Tổng thống Biden sẽ “không né” vấn đề nhân quyền với Việt Nam

 

VOA cho biết, họ có một bức thư gửi đến Tổng thống Biden vào ngày 8/9, đồng ký tên bởi 5 nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ, trong đó, họ nêu lên “lo ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc ông tận dụng chuyến thăm này để lên tiếng những vi phạm nhân quyền này, và ở mức tối thiểu, giúp đạt được việc phóng thích các tù nhân lương tâm và có được sự bảo đảm rằng sẽ không có vụ bắt giữ nào nữa khi mối quan hệ của chúng ta với [Việt Nam] được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược.”

Vẫn theo VOA, nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng, họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng, họ có nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam, nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước, do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tháng 3, cho biết, Mỹ cố gắng không để cho những cuộc thảo luận về nhân quyền với Việt Nam “xuất hiện trên trang nhất”.

Nữ dân biểu Steel đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta phải thầm lặng về những vi phạm nhân quyền?” “Đừng nói năng nhỏ nhẹ. Nói năng nhỏ nhẹ chẳng bao giờ có tác dụng với những chính phủ này”.

“Chúng ta có thể dùng chuyến thăm này để củng cố quan hệ. Tôi nghĩ một mối quan hệ vững mạnh hơn, sẽ là điều tốt khi họ chấm dứt những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,” bà Steel nói thêm.

Bên cạnh đó, Dân biểu Lofgren nói không nên quá chú trọng vào cách thức nêu vấn đề ra sao, mà là vấn đề có được giải quyết hay không. “Nếu như giải quyết tế nhị mà thành công thì cũng được” và bà thừa là vấn đề chưa thành công.

VOA cho biết thêm, trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 8, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối cho biết, liệu Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi ông gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không. Nhưng nói rằng, ông Biden “không bao giờ né tránh” vấn đề này với bất cứ nhà lãnh đạo nào.

 

Thu Phương – thoibao.de

>>>Về Quảng Ninh gặp ngay “xương voi”, Đinh Văn Nơi nuốt mãi không trôi!

>>>Nhiều người Việt ủng hộ nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ

>>>Anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm bị đe dọa tính mạng tại trại giam số 6

>>>Lộ bí mật các dữ liệu thông tin của công dân: Lỗ hổng ở đâu, Cục An ninh mạng cần trả lời?

Nguyễn Chí Vịnh mắc bệnh “lạ” sức khỏe suy sụp do bàn tay Trung Quốc: Sự thật hay tin đồn?

Kasse animation 7.8.2023