Lối kinh doanh bá đạo của EVN: lời quan ăn, lỗ dân chịu!

EVN đang nổi lên nhiều vấn đề, nguyên nhân là từ sự độc quyền mà Nhà nước dành cho doanh nghiệp này. Được độc quyền mua điện và được đồng quyền bán điện. Một ân huệ không ai có, nhưng kết quả kinh doanh vẫn thua lỗ triền miên. Cho đến nay, lỗ lũy kế của EVN đã lên đến gần 100.000 tỷ đồng, trong đó, lỗ năm 2022 là 26.000 tỷ đồng.

EVN một mình một chợ trên thị trường Việt Nam, không những được độc quyền cả mua lẫn bán điện, mà còn được hưởng cơ chế riêng. Đó là, Chính phủ làm chính sách cho riêng EVN. EVN không được phá sản, dù lỗ như thế nào thì cũng sẽ được cứu.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân chịu 2 sức ép như 2 gọng kìm, đó là phải chấp nhận cạnh tranh với đối thủ, nếu thua lỗ thì tự chịu, không ai cứu cho. EVN được giải phóng hoàn toàn khỏi 2 gọng kìm này.

Người Cộng sản cho rằng, việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước, giải phóng khối doanh nghiệp này khỏi 2 gọng kìm mà doanh nghiệp tư nhân nào cũng phải đối đầu, là để kiểm soát, bảo đảm an ninh và giúp doanh nghiệp phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Nhưng không, khi con cái được nuông chiều thì dễ hư hỏng, và EVN cũng vậy. EVN được nhà nước đảm bảo không phải cạnh tranh với ai, đảm bảo không bị phá sản, thì EVN lại sinh ra hư. EVN báo lỗ thường xuyên, để Chính phủ phải ra tay cứu. Mà cách cứu EVN là móc túi dân để bù vào khoản lỗ đã phá trong nhiều năm.

Báo chí đặt câu hỏi rằng, vì sao EVN lỗ hơn 26.000 tỷ, trong khi các công ty con lại lãi, vào năm 2022?

Đặt câu hỏi như thế thì làm sao EVN trả lời, bởi nếu họ trả lời thỏa đáng, thì có phải làm lộ bộ mặt thật của họ không? Thực ra, để công ty con có lãi còn công ty mẹ lỗ, là cách họ lùa tiền từ nơi này sang nơi khác. Công ty mẹ phải lỗ thì mới có cớ mà xin chính sách. Chỉ có công ty mẹ mới làm được điều đó, và trước sau gì Chính phủ cũng phải ban cho EVN chính sách riêng, để móc túi toàn dân đắp vào túi tham của EVN.

Để giải quyết khoản lỗ khổng lồ của EVN, trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân của Bộ Công thương gửi Bộ Tư pháp, có điểm mới là, giá bán lẻ điện được phép tính thêm khoản lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Tức là, Bộ Công thương đang làm chính sách để lấp đầy túi tham cho EVN. Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này, nhưng kết quả khó mà khác được. Bởi EVN là con cưng, là công ty không thể phá sản.

Khi tăng giá điện để bù lỗ, thì đấy là cách bắt dân phải chịu những lỗ lã của EVN, mà không được biết khoản lỗ đó thực chất là do đâu.

Nếu làm đến nơi đến chốn, chính quyền phải điều tra xem tài sản ông cựu Chủ tịch EVN Dương Quang Thành, từ đâu mà có? Tiền ông Thành cho 2 con ông đi du học Mỹ từ cấp phổ thông, với chi phí hàng trăm ngàn đô la mỗi năm, là từ đâu? Việc EVN kêu lỗ phải có lý do chính đáng, phải có kiểm toán độc lập, không thể để tình trạng EVN thì lỗ, mà quan chức ngành điện lại giàu lên, vậy tiền chảy đi đâu?

Tuy nhiên, chính quyền không hề có động thái nào chứng tỏ họ điều tra tận gốc vấn đề, mà cứ thấy EVN than lỗ là lại chiều nó. Như vậy thì khác nào, nhà nước đang giúp EVN móc túi toàn dân chứ?

Chính sách độc quyền thì cái kết là móc túi dân để bù lỗ, móc túi dân để làm giàu. Với việc đảm bảo công ty con cưng không phá sản, thì đồng thời, cũng dung dưỡng thói hư cho doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp không những không mang lại ích lợi cho xã hội, mà lại càng tàn phá xã hội hơn. Chính quyền Cộng sản đã bảo kê cho EVN độc quyền là cách làm ích kỷ và dốt nát.

Ngay cả trong ngành quốc phòng, ngành đáng lẽ cần phải độc quyền để nhà nước kiểm soát vấn đề bảo mật, mà Mỹ vẫn không tạo sân chơi độc quyền. Mỗi hợp đồng cấp vũ khí cho Chính phủ Mỹ, vẫn có nhiều nhà thầu tham gia, trong đó có nhà thầu tư nhân, chứ không để một doanh nghiệp một mình một chợ. Nếu tạo ra thế độc quyền, thì vũ khí Mỹ đã không tốt như hiện nay.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023