Ngành ông Tô đói khát hình ảnh nhân văn đến mức phải gán ghép khiên cưỡng

Cho đến nay, không biết đã bao nhiêu năm rồi, Bộ Công an lại dùng những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để xây dựng hình ảnh người “Công an Nhân dân”. Việc chọn ngày thi tốt nghiệp là cách chọn có chủ ý, bởi ngày này, cả xã hội đều quan tâm chú ý, đặc biệt là với các bậc phụ huynh, bởi đấy là ngày trọng đại của con em họ, Là bước ngoặt để con em họ chuẩn bị hành trang vào đời.

Nhiệm vụ phải làm mà cũng tự dán nhãn “nhân văn” cho được

Ngành Tuyên giáo Công an quả là đã nghiên cứu rất kỹ những sự kiện gây được sự chú ý mạnh mẽ của toàn dân, để dựa vào đó mà dàn dựng kịch bản. Tuy nhiên, vì năm nào cũng dựng đi dựng lại một kịch bản như thế, nên khiến người dân thấy nhàm chán. Hiện nay, trên tay người dân nào cũng có smartphone, nên việc quay lại những trò dàn dựng của công an không khó. Chính vì thế mà những vở kịch bị bóc mẽ rất dễ dàng. Tuy đã bị bóc mẽ từ nhiều năm trước, nhưng vì đói kịch bản, nên công an đành phải dùng lại kịch bản cũ, để nhai tiếp.

Ngoài những vở kịch dựng hình ảnh trong những ngày thi, thì công an cũng dựng hình ảnh như giúp dân gặt lúa, dắt cụ già qua đường… Giúp cụ già qua đường là chuyện người nào cũng có thể làm được, dân làm rất nhiều nhưng có ai khoe đâu, mà sao công an lại lấy đó hình ảnh để khoe khoang? Đây chỉ là cách mà họ muốn xóa đi hình ảnh xấu xa của các công an sắc phục trong đầu người dân mà thôi.

Ngày 19/8, tờ báo Công an Nhân dân có bài viết mang tựa đề “Xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, chủ trương nhân văn của Bộ Công an”. Thật là nực cười, khi nhiệm vụ mà ngành công an phải làm, thì họ lại gán ghép lên mình mỹ từ “nhân văn”. Bộ Công an được Đảng cấp cho ngân sách ngần 100 ngàn tỷ đồng để hoạt động, gấp 16 lần ngân sách cấp cho Bộ Giáo dục và gấp 14 lần ngân sách cho Bộ Y tế. Một ngân sách khổng lồ như thế để mấy ông ngồi chơi hay sao? Việc bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của các ông, chứ nhân với văn gì hả ông Bộ trưởng Tô Lâm?

Một khi công an đã tự ghép chữ “nhân văn” vào nhiệm vụ, thì điều đó cũng có nghĩa là họ đã và đang quá đói khát về sự thừa nhận của xã hội. Và rằng, xã hội đang nhìn nhận họ là thành phần “thú tính”.

Người dân hẳn cũng cần chú ý khi Cộng sản muốn tự dán nhãn cho họ. Ngành công an dán nhãn “nhân dân” vào sau từ công an, thì đấy không phải là lực lượng vì dân, mà là vì Đảng. Như vậy có thể nói, công an thiếu vắng chất con người, nên họ mới tự dán nhãn “nhân văn” cho mình. Sự dán nhãn của Đảng Cộng sản chỉ thể hiện mong muốn của Đảng, chứ không thể hiện bản chất của Đảng. Bản chất của Đảng ngược lại với nhãn dán.

Rồi mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng lại phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương của 3 cảnh sát giao thông chẳng may bị lở núi trên đèo Bảo Lộc lấp chết. Đây là tai bay vạ gió, do xui xẻo mà thôi, chứ 3 cảnh sát này chẳng hy sinh cho ai cả, và cũng chẳng có tấm gương nào phải học tập. Chẳng lẽ, mọi cảnh sát giao thông ở Lâm Đồng phải tìm chỗ có nguy cơ sạt lở để đợi chết hay sao? Thật là chuyện buồn cười.

Thực ra mà nói, hình ảnh công an trong mắt nhân dân đã quá bệ rạc rồi, cho nên ngành công an vơ đại bất kỳ hình ảnh nào mà họ có thể thần thánh hóa, có thể tô vẽ để biến thành những hành động cao cả. Tuy nhiên, nay đã là thời đại 4.0, người dân không dễ bị lừa nữa, nên những trò gán ghép khiên cưỡng đó đã trở lên lố bịch, chẳng có giá trị gì.

Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ Đảng. Chính vì Đảng tạo ra lực lượng này với mục đích như thế, nên công an ác với dân là điều đương nhiên. Bởi Đảng muốn trục lợi trên đầu dân tộc này kia mà? Sự thật là vậy, nên cũng cần đến lúc, Đảng lật bài ngửa với dân đi cho dễ sống, đừng tốn thời gian và tiền bạc vẽ vời đủ thứ hình ảnh, nào là cao cả, nào là nhân văn, nào là vì dân làm gì. Nó trơ trẽn lắm ông Tô à.

Thu Phương(Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/-xay-dung-tinh-an-toan-giao-thong-chu-truong-nhan-van-cua-bo-cong-an-i703948/

 

Kasse animation 7.8.2023