Link Video: https://youtu.be/ZLfwRb0Gn94
Theo RFA ngày 15/8, một thư ngỏ tập thể yêu cầu bãi bỏ một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và các văn bản Nhà nước liên quan chủ trương nhập, tách các đơn vị hành chính gây tranh cãi và bị cho là ‘gây đảo lộn xã hội’ và ‘lãng phí’ công sức và tiền bạc của người dân, đồng thời có thể ‘để lại những hậu quả tiêu cực’ lâu dài tại Việt Nam được một nhóm nhân sĩ, trí thức và quần chúng kí tên và công bố trên mạng hôm 13/8/2023.
Văn kiện có chữ ký của bảy tổ chức xã hội dân sự độc lập gồm ‘Lập Quyền Dân’ đại diện bởi ông Nguyễn Khắc Mai, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, đại diện bởi Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, Đại diện bởi PGS Tiến sĩ Hoàng Dũng, Bauxite Việt Nam, Đại diện bởi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Câu Lạc Bộ Phan Tây Hồ, Đại diện bởi Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Câu Lạc Bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại diện bởi Giáo sư Nguyễn Đình Cống và Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Đại diện bởi ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức và thành viên công chúng.
Thư ngỏ đặt vấn đề rằng kể từ sau 1975 đến nay Nhà nước cộng sản Việt Nam đã có 10 đợt sáp nhập, chia tách các tỉnh, thành; tới thời điểm hiện tại cả nước có 63 tỉnh thành.
Nay theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 35/2023/UBTVQH 15 ngày 17/2/2023, sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số cao, khó khăn về quỹ đất.
Việc sáp nhập tỉnh sẽ được tiến hành từ năm 2026. Dự luật gây ra rất nhiều băn khoăn trong dân chúng. RFA trích văn kiện ngỏ này có đoạn:
“Có những vụ nhập – tách không biết để làm gì, như quận Thủ Đức tách thành thành phố Thủ Đức trong thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Trước 1975, thành phố Sài Gòn (tiền thân của TPHCM) có quận Chín và quận Thủ Đức, sau 1975 nhập quận 9 vào quận Thủ Đức, sau đó tách quận Thủ Đức thành ba quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Gần đây nhập ba quận này lại thành thành phố Thủ Đức!!! Vụ sáp nhập tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Vĩnh Phúc vào Hà Nội cũng không biết để làm gì, dường như chỉ có mục đích Thủ đô phải lớn, GDP phải lớn, về hình thức phải đứng đầu cả nước, trong khi đó thủ đô của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lại nhỏ hơn Hà Nội cũ rất nhiều. Thậm chí đã có những nghi ngờ về tác động của các “nhóm lợi ích đất đai” đến việc biểu quyết của Quốc hội về việc sáp nhập này.”
Dư luận càng hoang mang khi với Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH 15 thì tới đây, quận Hoàn Kiếm, một quận cổ ở Thủ đô Hà Nội cũng có thể nằm trong diện sáp nhập vì diện tích nhỏ.
Và văn kiện ngỏ này đưa ra bốn điểm kết luận, mà theo đó,
Thứ nhất, yêu cầu hủy bỏ nghị quyết 35/2023/UBTVQH 15 ngày 17/2/2023 và các văn bản nhà nước liên quan;
Thứ hai, để giảm biên chế, cách tốt nhất là định biên cán bộ theo quy mô dân số, kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông liên lạc với mức tinh giản tối đa bộ máy hành chính;
Thứ ba, giảm thiểu cán bộ các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc.
Các đoàn thể chủ yếu hoạt động theo tinh thần tự nguyện, ngoài biên chế, không ăn lương Nhà nước;
Và thứ tư, nâng cao năng lực thực tế của cán bộ các cấp bằng chế độ tự do ứng cử, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp để chọn người có đức, có tài được nhân dân tín nhiệm.
Hôm thứ hai, 14/8, từ Hà Nội, một trong những người ký tên vào yêu cầu này, vừa trên tư cách đại diện một tổ chức xã hội dân sự độc lập vừa trên tư cách cá nhân, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), nói với RFA về động thái văn kiện ngỏ này:
“Một trong những lý do mà họ nói là để tinh giản biên chế, giảm bớt chi phí cho ngân sách về bộ máy chẳng hạn, tôi nghĩ đây là một trong những điều mà chí ít những kinh nghiệm lịch sử trong mấy chục năm qua hoàn toàn phủ nhận lập luận hay lí do như vậy. Bởi vì càng nhập lại bộ máy càng ngày càng phình to. Vấn đề biên chế hay bộ máy không ăn nhập hay không liên quan gì lắm với chuyện sáp nhập hay không sáp nhập mà vấn đề ở đây cũng lại là vấn đề quản trị.”
Quang Minh – Thoibao.de
>>> Bắc Kinh áp lực Hà Nội không tiếp xúc chính thức với Đài Loan
>>> 10 lý do cần huỷ án tử hình Nguyễn Văn Chưởng
>>> Ông Dương Tự Trọng cần lên tiếng để cứu Nguyễn Văn Chưởng
>>> Liệu Tô Lâm có dám sang Đức bắt cóc lần hai?
Sài Gòn kiệt sức như con ngựa già, nền kinh tế tan nát, dân đói, Đảng lo cứu đại gia