Những lý do khiến giáo viên nghỉ việc

Link Video: https://youtu.be/KWHN908VCTA

Ngày 29/7, báo Tiếng Dân có bài “Vì sao giáo viên bỏ việc?” của tác giả Thái Hạo.

Theo đó, giữa lúc cả nước đang thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng, thì làn sóng bỏ việc trong khối công lập lại không vì thế mà có dấu hiệu giảm đi, vì sao?

Tác giả nêu ra 3 lý do của tình trạng này, từ trải nghiệm của bản thân và những chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp gần gũi, cộng với những gì đang diễn ra trong ngành.

Theo tác giả, lý do thứ 1 là:

Mất dân chủ nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, dẫn đến giáo viên không còn được tôn trọng, thân phận trở nên thấp hèn trước người quản lý. Họ bị đối xử bất công, bị tước mất những quyền cơ bản, bị chỉ trích, phê bình, thậm chí bị trù dập mà không biết kêu ai.

Ở không ít nơi, giáo viên phải làm chân sai vặt, thậm chí đi tiếp khách và chuốc rượu như tiếp viên. Dù không dám phản kháng, nhưng chắc chắn nó gây bất bình, dần sinh ra mệt mỏi, chán ghét. Tình trạng này là sự đả kích sâu sắc, làm tổn thương nặng nề những người có tự trọng, có ý thức phẩm giá. Nó tất yếu dẫn đến việc những người “thẳng lưng” sẽ rời bỏ nhà trường.

Cho nên, song song với việc thay đổi chính sách tiền lương, thì việc lập lại sự quân bình quyền lực, kiến tạo môi trường giáo dục công bằng, nhân văn, phải là mục tiêu khẩn cấp, bức thiết. Không thể trì hoãn.

Lý do thứ hai: Quá nhiều áp lực.

Căn bệnh thành tích, bệnh quan liêu giấy tờ, bệnh hành chính hình thức…, đã dần làm kiệt quệ đội ngũ giáo viên. Nền giáo dục đang chạy theo những con số vô hồn với điểm thi, giải thưởng, thi đua…, và từ đó làm phát sinh không biết bao nhiêu tiêu cực, cũng như tạo gánh nặng vô bổ trên đầu xã hội.

Tác giả cho biết, nhiều nhà giáo có chuyên môn và tâm huyết đã không thể tiếp tục, vì họ thấy lãng phí, thậm chí còn có cảm giác mình là tội đồ khi tiếp tay cho những cuộc chạy đua không những vô giá trị, mà còn để lại di họa trong tâm hồn học sinh. Và họ đã chọn rời đi.

Hình: Bài trên báo Tiếng Dân

Lý do thứ ba: Áp lực thành tích biến mỗi nhà trường thành chiến trường.

Vì thế, công việc đi dạy với tinh thần tận tụy, yêu thương và đồng hành cùng mỗi học trò dần trở nên xa xỉ. Khi tình yêu với tri thức và với người thầy không được khơi dậy, để trở thành động lực chính đáng cho việc học nơi học trò, thì giáo viên phải tìm mọi cách để ép các em; việc dụ dỗ, nhồi nhét, hăm dọa, phê bình trở thành phương pháp chủ đạo. Những giáo viên có sự nhạy cảm, tinh tế, và tình yêu thương dành học trò, họ không thể chịu đựng được quá lâu cảnh này. Và đành phải quay đi.

Tác giả đúc kết:

Việc cải thiện lương bổng, dù quan trọng tới đâu và làm tốt đến mức độ nào, nhưng nếu không cải tạo được môi trường giáo dục, khi vẫn để những vấn nạn như trên vây khốn, thì bức tranh vẫn khó mà đổi sắc được. Nếu một khi lương tăng cao mà tình trạng mất dân chủ còn nguyên như hiện nay, thì tiêu cực sẽ phát sinh nhiều hơn. Vì “vé vào cổng” sẽ đắt hơn, giáo viên sẽ bị đối xử thô bạo hơn.

Tác giả cho rằng, câu chuyện thu nhập là một bài toán phải được giải, nhưng lại không dễ có ngay đáp án hữu hiệu trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, việc dân chủ hóa môi trường giáo dục, dẹp nạn lạm phát hành chính, trị căn bệnh thành tích giả dối, thì lại không hề mất tiền mà có thể làm ngay.

Chỉ cần thực hiện một số cải cách thiết thực, thay đổi chính sách, cấu trúc lại bộ máy giáo dục, thì lập tức mọi thứ sẽ trở nên thông thoáng, lành mạnh; môi trường giáo dục sẽ được hồi sinh, sức sống sẽ trở lại, và hạnh phúc liền hiện hữu trên mỗi mặt người.

Tác giả tin rằng, nếu làm được như thế, thì đó mới là một cuộc “đổi mới căn bản”, chứ không phải chỉ chú mục vào viết chương trình và sách giáo khoa mới. Không hạt giống tốt nào có thể mọc lên trên một mảnh đất đã bị nhiễm độc nghiêm trọng, thậm chí, những cây đã sinh trưởng và cắm rễ sâu ở đó, còn sẽ bị èo uột dần theo năm tháng, mà chết đi.

Hình: Truyền thông nhà nước đưa tin về tình trạng giáo viên công lập bỏ dạy

Ý Nhi

>>> Điều 360 Bộ luật Hình sự và trách nhiệm của Đảng

>>> Kết thúc sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, không xem xét quyền lợi người dân.

>>> Chùa Ba Vàng: Thu tiền công đức hơn 4,16 tỷ đồng, chi hết cho từ thiện

>>> Những bình luận xung quanh án chung thân của Hoàng Văn Hưng

Lâm Đồng: Dân phản đối xây Hồ thuỷ lợi Ta Hoét.


Kasse animation 7.8.2023