Những lời cảnh báo sớm về vấn đề Tây Nguyên đã bị bỏ qua

Link Video: https://youtu.be/9Q4h4QxMLBA

Ngày 17/6, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Vụ tập kích ở Cư Kuin: Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai” của tác giả Nguyễn Hải Triều.

Tác giả nhận xét, người Thượng từng nổi dậy suốt chiều dài lịch sử đất nước này, trước cả thời ông Diệm lẫn thời toàn trị Cộng sản. Vụ tập kích ở Cư Kuin là sức công phá của mâu thuẫn nội tại trong lòng chế độ, dù chính quyền tìm mọi để cách khỏa lấp. Nếu tiếp tục trưng lên hình ảnh trang bị gậy gộc và súng ống cho người Kinh “săn bắt” các nghi can bản địa như vừa qua, thì đấy là một hình thức gieo mầm tiếp cho tai họa.

Theo tác giả, từ sau khi xảy ra vụ Cư Kuin, Bộ Công an hầu như cấm hẳn các ý kiến bình luận về biến cố. Ấy vậy nhưng ngày 14/6 vừa qua, bỗng xuất hiện một Facebook, với tít khá giật gân: “Nóng! Bộ Công an chính thức công khai danh tính thủ lĩnh nhóm nổi loạn”.

Tác giả đánh giá, Facebook này, nếu không phải của Bộ Công an thì cũng từ “người nhà của Công an” – lực lượng A47 – đứng ra trình diễn! Trong khi truyền thông đa phần loan tin theo phát ngôn của Bộ Công an, thì Facebook nói trên có những thông tin quá đặc biệt, tường thuật mọi chuyện cứ như là vừa từ thực địa trở về, hay từ Văn phòng của Trung tướng Tô Ân Xô đi ra. Quả là độc nhất vô nhị!

Tác giả phân tích, làm thế nào có thể kiểm chứng được cái Facebook nói trên, ngoài việc phải chấp nhận nó là “họ hàng” của Công an. Và Facebook này chắc chắn có “tính thiếu chuyên nghiệp”. Facebook này khẳng định, người có tên là Y Quynh Bdap đã nấp dưới vỏ bọc trí thức, mấy năm qua tự tung tự tác, đào tạo và huấn luyện lực lượng ngay giữa “đại ngàn Tây Nguyên”, để cuối cùng có được một cuộc tập kích như vừa qua.

Tác giả đặt câu hỏi, tất cả những hoạt động “phản Cách mạng” ấy không nhẽ xảy ra trước mũi Công an? Nếu thế thật thì “Công an của ta tài quá!” Chỉ trong vòng bốn ngày, đã lôi được cả cái ổ “phản động” ấy ra, cùng danh sách những kẻ cấu kết với chúng từ nước ngoài!

Tuy nhiên, tác giả nhắc đến ý kiến của các luật sư nhận xét về hình ảnh các nghi phạm và “lời thú tội” của họ, mà truyền hình và nhiều tờ báo Việt Nam đăng tải, và nhận thấy, vấn đề lại khác! Vì một luật sư nhân quyền cho rằng, điều này xâm hại quyền cá nhân của nghi phạm. Các luật sư còn đòi hỏi, để bảo đảm việc xét xử công bằng, đúng người đúng tội và tránh oan sai, những người bị bắt cần được tiếp cận ngay với luật sư.

Tác giả mỉa mai nhận xét rằng, xin thưa các vị luật sư đáng kính, các vị từ Sao Hỏa xuống Việt Nam hay sao? Nếu có hiện diện của luật sư, Công an lấy đâu ra những lời khai “nóng” và thành tích phá án nhanh như vậy?

Hình: Bài trên RFA

Tác giả nhắc lại biến cố xảy ra cách đây 22 năm, khi hàng ngàn bà con người dân tộc tụ tập kéo về thủ phủ của các tỉnh Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Pleicu, Kontum vào những ngày đầu tháng 2/2001. Trong danh sách “bạo loạn chính trị” hồi bấy giờ, đã có tên hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Tác giả tiếp tục phân tích, từ những gì từng xảy ra trong quá khứ, cho thấy, rất có thể vấn đề cưỡng chế đất đai, đàn áp sắc tộc và tôn giáo, lại bùng nổ thành bạo lực trong vụ việc Cư Kuin. Những tiếng súng này cảnh báo, đứng trước thử thách sinh tồn của căn tính, người Thượng đã liều mình để vượt thoát.

Bộ máy cai trị của Đảng và nhà nước, trên thực tế đa số là người Kinh, họ đưa toàn bộ “bản thiết kế” các làng xã và các thành phố ở dưới xuôi lên, áp đặt cho các buôn làng Tây Nguyên. Đối với dân bản địa, “buôn làng” đồng nghĩa với “đất nước”. Trong con mắt của người Thượng, người Kinh là những “kẻ thực dân mới”. Những “tân thực dân này” tầm nhìn lại hạn hẹp, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không thấy lâu dài, không có chiều sâu văn hoá.

Tác giả dẫn lại phân tích của nhà văn Phạm Đình Trọng, cho thấy, những dự án trồng cao su, cà phê, những sân golf, resort, đô thị, thủy điện… khiến “những cánh rừng thăm thẳm của thần linh, của huyền thoại, sử thi Tây Nguyên nhanh chóng biến mất”.

Tác giả cũng dẫn lời cảnh tỉnh khá sớm của nhà văn Nguyên Ngọc:

“Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai, thì vấn đề dân tộc sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ… một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường”. 

Và tác giả nhắc đến lời cảnh báo từ đầu thế kỷ 20 của nhà thám hiểm, dân tộc học Henri Maitre (1883 – 1914), về những tổn hại từ sự can thiệp của người Kinh vào Tây Nguyên như sau:

“Ở phía này, sự thâm nhập hòa bình của “người An Nam” còn tai hại cho “người Mọi” hơn các cuộc cướp phá của người Lào và người Cambodge. Người Lào và người Cambodge chỉ làm lay chuyển và tỉa cành cái thân vẫn còn sống động của chủng tộc, còn người An Nam thì gặm dần và làm cho nó ruỗng nát tới tận lõi”.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Chặt vào mắt xích liên minh Kiên Giang – Thanh Hóa. Ba Dũng – Thủ Chính gặp khó?

>>> “Múc” “bãi” EVN, liệu “múc” sạch hay “múc” một phần?

>>> Vạn quan đòi ăn lại quả nhưng sao chỉ một người “trúng độc”?

>>> Tổng đưa lò áp vào lưng quý tử nhà Ba Dũng

Công lý ở Việt Nam bị đảng nhuộm đen ra sao?


Kasse animation 7.8.2023