Luật sư bị truy tìm như tội phạm

Link Video: https://youtu.be/eQfq-aStce4

VOA Tiếng Việt ngày 12/6 có bài “Công an Việt Nam truy tìm 3 luật sư bào chữa vụ Tịnh thất Bồng Lai”.

Theo đó, Công an tỉnh Long An vừa ra quyết định truy tìm 3 luật sư đã tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, với lý do các luật sư “không đến đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng, sau khi đã được mời “nhiều lần”.

Ba luật sư bị truy tìm này là: Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), Đào Kim Lân (56 tuổi) và Đặng Đình Mạnh (55 tuổi). Họ là 3 trong số 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xảy ra ở Tịnh thất Bồng Lai, hay còn gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”, tại tỉnh Long An, do ông Lê Tùng Vân đứng đầu.

VOA cho hay, đây là vụ án gây tranh cãi với nhiều cáo buộc được thay đổi trong quá trình điều tra và xử án, đã gây ra nhiều nghi vấn và bất bình trong công luận.

Lúc đầu, ông Lê Tùng Vân bị cáo buộc tội “loạn luân” với những đứa trẻ mồ côi mà Tịnh thất nuôi dưỡng, và “hoạt động từ thiện trái phép”. Sau khi vấp phải chỉ trích từ cộng đồng mạng, giới hữu trách Việt Nam chuyển sang cáo buộc ông Vân, 90 tuổi, và các thành viên của Tịnh thất tội “xâm phạm lợi ích của nhà nước”, vì đã đăng các bài viết, clip trên mạng xã hội với thông tin “sai sự thật”.

Theo VOA, tháng 7/2022, tòa án Việt Nam xử phạt ông Vân 5 năm tù giam về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Năm thành viên khác bị tuyên phạt từ 3 – 4 năm tù giam.

Vẫn theo VOA, sau khi bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, các luật sư tham gia lần lượt bị cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An triệu tập vào tháng 3/2023 và tháng 4/2023, với cáo buộc đưa ra từ Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (A05), rằng, các luật sư đã có hành vi phát tán lên không gian mạng các video, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm về “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Hình: Bài trên VOA

Trong suốt quá trình xét xử vụ án, VOA cho biết, nhóm luật sư thường đăng thông tin cập nhật về vụ án trên các trang mạng xã hội. Trong đó, nhóm luật sư cũng chỉ ra những “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, xâm phạm hoạt động tư pháp” của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa và các cơ quan tố tụng tỉnh Long An.

VOA nhận xét, nhóm luật sư trên được biết đến là những luật sư “can đảm” hiếm hoi tại Việt Nam, dám đứng ra bào chữa những vụ án “nhạy cảm”, liên quan đến chính trị, nhân quyền, tranh chấp đất đai…

Việc cơ quan công an Việt Nam triệu tập nhóm luật sư để điều tra hình sự đã bị các tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích trong thời gian qua, VOA cho hay.

Theo đó, vào tháng 3, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đã gửi thư ngỏ tới Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam, lên án việc điều tra nhắm vào luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh.

Mới đây, VOA cho biết, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng gửi thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam giải trình, liên quan đến cuộc điều tra hình sự đối với Luật sư Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia cho biết, đã nhận được thông tin cho rằng, đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp, vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Quyết định “truy tìm” 3 luật sư được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đưa ra, sau khi cơ quan này xác định, các luật sư không có mặt tại địa phương, “đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được”. Hai luật sư còn lại là Ngô Thị Hoàng Anh và Trịnh Vĩnh Phúc được cho biết, đã đến làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan Cảnh sát điều tra. VOA cho hay.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc muốn lập căn cứ gián điệp ở Cuba?

>>> Bề dày “thành tích” của ông Tướng Phạm Bá Hiền

>>> Báo nhà nước xóa bài về vụ tấn công đồn công an xã ở Đắk Lắk

Chiếm đảo trái phép, Đài Loan còn chỉ trích ngược Việt Nam


Kasse animation 7.8.2023