EVN – thòng lọng thít cổ nền kinh tế. Giờ đến lúc “thịt” ổ EVN?

Có thể nói, doanh nghiệp nhà nước được chính quyền bảo vệ bằng hình thức độc quyền, đang đi vào thời kỳ phá hoại khủng khiếp. Ngành điện của Việt Nam đang tàn phá 2 đầu.

Một đầu là chính EVN đang giết chết ngành năng lượng sạch và ưu tiên cho điện than. Đầu kia, cũng chính EVN gây ra cảnh khan hiếm điện nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và hoạt động của nền kinh tế.

Vì được cưng chiều quá mức, nên dường như, EVN không còn biết, họ có trách nhiệm phải đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế. EVN liên tục than lỗ và đòi tăng giá điện, trong khi đó, các  công ty con có chục ngàn tỷ gửi ngân hàng. Điều này cho thấy, EVN đang tư túi hơn là thực hiện trách nhiệm đảm bảo điện cho nền kinh tế. Vấn đề này đã được dư luận xã hội phản ánh bao nhiêu năm nay, nhưng không hiểu sao, Đảng Cộng sản không chấn chỉnh.

EVN gây tác hại khủng khiếp cho nền kinh tế

Cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là một thứ thể chế kinh tế lai căng, cố giữ lại những tàn dư của nền kinh tế tập trung bao cấp.  Trong thời bao cấp, kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã do nhà nước quản lý, và những doanh nghiệp quốc doanh độc quyền tất cả các mặt hàng.

Các nước dân chủ đã tìm cách đưa luật chống độc quyền vào hệ thống luật pháp của họ, để tránh cho nền kinh tế bị thoái hóa, do tình trạng độc quyền gây ra. Nhờ đó mà nền kinh tế của họ mới phát triển. Vậy mà Đảng Cộng sản lại đi mót lại tàn dư tệ hại nhất của nền kinh tế tư bản hoang dã, đem áp vào Việt Nam. Cho tới nay, người dân Việt Nam đã và đang gánh quá nhiều hậu quả từ nền kinh tế độc quyền của Đảng Cộng sản. EVN đã đang vỗ béo rất nhiều quan chức ngành điện.

Hiện nay, ung nhọt EVN đã đến lúc phải giải phẫu. Mới đây, đồng loạt các tờ báo quốc doanh đã lên tiếng về sai phạm của EVN. Điều này cho thấy, đang có tín hiệu từ Trung ương, mà đặc biệt là từ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được biết, EVN trực thuộc Bộ Công thương quản lý, cho nên cũng thuộc quyền quản lý của Chính phủ. Những dây mơ rễ má của doanh nghiệp này kéo dài từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, đến ông Nguyễn Xuân Phúc, và một phần của nhiệm kỳ của ông Phạm Minh Chính.

Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, trong chính quyền Cộng sản Việt Nam đã và đang nổi lên nhiều đại án lớn. Thứ nhất là Việt Á, thứ nhì là chuyến bay giải cứu, thứ ba là vụ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thứ tư là vụ Cục Đăng kiểm, và rất có khả năng, giờ đây sẽ có thêm vụ đại án EVN nữa.

Thực tế, muốn loại bỏ tiêu cực ngành điện thì trước hết phải xóa bỏ cơ chế độc quyền dành riêng cho EVN. Tuy nhiên, việc phát động chiến dịch đánh vào EVN kỳ này, có vẻ như là do đấu đá nội bộ của Đảng Cộng sản, nhóm không ăn đang đánh nhóm ăn đậm. Nếu thật tình muốn cho nền kinh tế đất nước không bị gặp khó vì thiếu điện, thì cần phải loại bỏ vai trò độc quyền của EVN, rồi sau đó mới hốt những quan chức ngành điện nhúng chàm để trừng trị.

Nhiều tờ báo đồng loạt đánh nhóm lợi ích EVN

Trò chơi chính trị là những trò trí trá mị dân. Đảng Cộng sản là một đảng bảo thủ, tham lam, nên nó không bao giờ chịu thay đổi thể chế chính trị, mặc dù nó đã hoàn toàn mục nát. Ngoài việc không chịu thay đổi thể chế chính trị, thì Đảng Cộng sản cũng rất ù lì, không chịu thay đổi thể chế kinh tế. Bởi họ không dám thực hiện thay đổi, vì họ biết, năng lực quản lý đất nước cũng như quản lý ngành của người Cộng sản rất tệ.

Người ta nói, những gì Cộng sản không quản được thì họ sẽ cấm. Họ cấm vì họ bảo thủ, họ cấm vì họ biết họ không có năng lực. Với đất nước 100 triệu dân, giờ đây Đảng Cộng sản đang bộc lộ sự bất lực của họ. Nếu rời khỏi cây súng, Đảng Cộng sản không biết làm gì để ổn định lòng dân. Và thực tế, họ vẫn quyết duy trì bạo lực với dân, dù lúc này đã là thời của hội nhập.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023