Phải chăng Đảng muốn quay lại thời kỳ toàn trị sau 1975?

Link Video: https://youtu.be/JZu6OWgKU7o

Ngày 27/5, trên trang Facebook cá nhân của tác giả Nguyễn Ngọc Chu có bài “Lương có thể tăng, nhưng tướng không thể loạn”, bình về tình trạng phong tướng tá ồ ạt hiện nay.

Tác giả cho rằng, từ cổ chí kim, tướng là danh hiệu dành cho bậc cầm quân xuất sắc. Tướng không phải là chức danh bán lấy tiền nộp ngân khố quốc gia như ông Hiệu ông Cửu. Tướng càng không phải là danh hiệu để hội hè ăn mừng.

Một đất nước, trong chiến tranh, tìm ra một đại tướng đã là khó. Huống chi trong thời bình, biết ai giỏi mà phong đại tướng?

Tác giả nhận xét, chỉ nói riêng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trải qua cuộc chiến tranh kháng Pháp, chống Mỹ, với quân đội cả triệu người, nhưng đến năm 1975 chỉ có 36 vị tướng, trong đó có 2 đại tướng.

Nay, tác giả cho biết, vào thời bình, quân số không quá nửa triệu người (448 500 quân thường trực). Mà tính đến ngày 16/5/2018, quân đội có 415 tướng (trong đó có 3 đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng).

Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, thì Quân đội được phép có tối đa 415 tướng. Vậy nhưng, kỳ lạ thay, vào năm 2014, Quân đội có đến 489 sĩ quan cấp tướng.

Với công an, theo tác giả, trước năm 1976, chỉ có 3 sĩ quan công an Việt Nam được phong tướng, nhưng đều thuộc lực lượng công an vũ trang, tức Bộ đội Biên phòng Việt Nam hiện nay.

Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, lực lượng Công an Nhân dân có tối đa 199 cấp tướng. Trong đó có: 1 đại tướng, 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng.

Nay, tác giả cho hay, trong phiên họp Quốc hội ngày 27/5/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất thêm 6 vị trí hàm cấp tướng. Trong đó có 1 thượng tướng cho vị trí sĩ quan công an biệt phái, được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Hình: Status trên trang các nhân của tác giả Nguyễn Ngọc Chu

Không dừng lại ở đó, Uỷ ban Quốc phòng – An ninh, đề xuất “nghiên cứu bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng đối với sĩ quan Công an Nhân dân biệt phái, khi được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội”.

Tác giả phân tích, ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện. Những quyết định quan trọng nhất được quyết định bởi Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã có tất cả các tướng lĩnh cần thiết tham dự.

Nếu Quốc hội quyết định được những điều quan trọng về Quốc phòng – An ninh mà Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương không quyết định được, thì hãy nên xem xét hàm đại tướng cho vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội. Không biết lúc đó, có ai đó lại đề nghị xem xét hàm nguyên soái cho vị trí Chủ tịch Quốc hội hay không?

Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, sĩ quan Công an biệt phái là những sĩ quan Công an được điều đến công tác tại cơ quan, tổ chức ngoài Công an nhân dân theo quy định của pháp luật. Khái niệm này rất quen thuộc đối với công chức Việt Nam giai đoạn sau 1975. Ở thời đó, tất cả các ngành, các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp… đều có sĩ quan công an hoặc quân đội biệt phái.

Những sĩ quan này có là lãnh đạo về mặt Đảng đối với các cơ quan mà họ được biệt phái tới. Vì vậy, đã xảy ra những chuyện khôi hài như, một ông Đại tá Công an là Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng một trường Đại học Mỹ thuật, tất nhiên, ông ta chẳng biết gì về hội họa. Tuy nhiên, vì là lãnh đạo, nên ông ta có quyền tham gia vào các hoạt động nhà trưởng, kể cả tuyển sinh hay chấm giải thưởng hội họa. Kết quả là những tác phẩm hạng bét của những họa sĩ bất tài nhưng giỏi nịnh thì được giải, còn những tác phẩm giá trị của những họa sĩ có tài nhưng không biết xu nịnh thì đoạt giải. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở những ngành nghề khác.

Các vị trí biệt phái này đã bị bãi bỏ kể từ sau khi Đảng thực hiện “Đổi mới”.

Với việc Bộ trưởng Bộ Công an đề cập đến vị trí sĩ quan Công an biệt phái giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, phải chăng, Đảng đang muốn quay lại kiểm soát xã hội theo kiểu toàn trị giai đoạn sau 1975?

Hình: Đảng lại đề cập đến khái niệm “sĩ quan Công an biệt phái”

Như Ý – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tiến triển mới trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung

>>> Dư luận phản đối đề xuất bù lỗ cho ngành điện của ông Nguyễn Thiện Nhân

>>> Cấm cán bộ gặp dân ngoài trụ sở có chống được tham nhũng?

Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở Biển Đông


Kasse animation 7.8.2023