Di chúc năm 1969 của ông Hồ Chí Minh có câu: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Nhưng cho đến nay, Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?.
Trước 1975, Sài Gòn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng ngày nay, TP. HCM đang ở đâu? Và vì sao bị các nước trong khu vực bỏ xa?
Câu thơ trên không phải là câu ảo tưởng duy nhất mà ông Hồ Chí Minh đã nói ra. Trước đó, năm 1946, trong lá thư gửi cho học sinh, ông còn có tham vọng “sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Nhưng ngày nay, đã qua bao thế hệ học sinh lớn lên rồi già đi, Việt Nam không những không thể sánh vai cùng cường quốc năm châu, mà lại còn bị các cường quốc này bỏ xa.
Đấy là những tiên đoán phi thực tế của con người mà Đảng Cộng sản tôn là thánh. Con người có thể đoán sai là chuyện bình thường, tuy nhiên, một lời tiên đoán sai mà cả một đảng cầm quyền coi là khuôn vàng thước ngọc cho mọi hành động, là sự nguy hiểm không cùng.
Thay vì thừa nhận ông Hồ Chí Minh là con người bình thường, ông có thể sai lúc này, và ông cũng có thể đúng lúc khác, thì Đảng Cộng sản lại cho rằng, Bác Hồ luôn luôn đúng. Đây là nguyên nhân nuôi dưỡng những thói quen trong tư duy, dẫn đến những quyết định duy ý chí của các thế hệ lãnh đạo Cộng sản sau này. Mà nói đâu xa, vì sự duy ý chí đấy mà chính ông Hồ Chí Minh đã thực hiện chiến dịch Cải cách Ruộng đất man rợ. Cho đến nay, nó vẫn là vết nhơ không thể gột rửa được của Đảng.
Ngày nay, giới lãnh đạo Cộng sản đã có cơ hội rộng mở để đến thăm các quốc gia tiến bộ. Vậy mà lối hành xử duy ý chí vẫn còn nguyên, vẫn ảo tưởng, vẫn không chịu nghe lời can ngăn nghịch nhĩ, vẫn tự đề cao năng lực và đưa ra mục tiêu quá tầm. Năm 2006, ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lúc đó, đề ra cho Đảng mục tiêu phát triển đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp tiến bộ. Tuy nhiên, đến năm 2016 thì đã xác định là mục tiêu này thất bại.
Cách đây 20 năm, dưới thời ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư Thành ủy, TP. HCM đã đề ra tham vọng xây dựng thành phố này trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tham vọng này chẳng khác nào tham vọng xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp tiến bộ vào năm 2020 của ông Nông Đức Mạnh. Và kết quả thế nào thì mọi người đều có thể đánh giá được. Cho đến nay, đã 20 năm trôi qua, mà chính quyền vẫn “Lúng túng khi xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM”.
Đảng Cộng sản không tự lượng giá được năng lực của Đảng, lãnh đạo không lượng giá được năng lực bản thân. Và từ đó, không biết bao nhiêu chính sách phi thực tế, hoang tưởng được đặt ra. Nó làm tiêu hao nguồn lực xã hội, mà kết quả lại thất bại. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt và bị các nước ở nhóm đầu nới rộng khoảng cách.
Từ cách tư duy và hành xử của Đảng như thế, nên đẻ ra lãnh đạo tương xứng. Điều đáng nói là, môi trường chính trị này cũng đẻ ra loại doanh nghiệp theo khuôn mẫu như vậy. Theo đánh giá của chính người làm trong VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng cũng là người duy ý chí và không biết lượng sức mình. Việc VinGroup lớn mạnh trong môi trường Việt Nam, không có nghĩa là nó cũng sẽ phát triển được trong môi trường tự do của thế giới. Quyết định nhảy sang lĩnh vực công nghệ và nhảy ra sân chơi thế giới, cho đến giờ, bị đánh giá là quá tầm đối với VinGroup.
Rất nhiều quyết định kinh doanh của ông Vượng, lập ra chỉ để đốt tiền, rồi giải thể. Việc lập ra công ty thực hiện dự án đường đua công thức 1, sau đó giải thể, khi đã đổ núi tiền đầu tư, đã cho thấy điều đó. Giờ đây, VinFast đang là một doanh nghiệp thiếu cốt cách của doanh nghiệp toàn cầu. Dù cho có đổ hàng núi tiền mà vẫn không thay đổi tư duy, thì VinFast sẽ thất bại là kết quả khó tránh khỏi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://vnexpress.net/lung-tung-khi-xay-dung-mo-hinh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tp-hcm-4604616.html