Tốt khoe xấu che là bản chất tự nhiên của con người. Chính quyền Cộng sản cũng thế, những gì mà họ cho là tốt đẹp, thì họ cho hệ thống báo chí mở hết công suất khoe khoang. Thậm chí, không có thành tích nào đẹp, họ cũng cho Tuyên giáo vẽ ra thành tốt đẹp để tuyên truyền.
Ở xã hội Việt Nam, người dân sống trọng vật chất hơn những xã hội văn minh. Trên mạng xã hội đầy rẫy những cảnh khoe giàu, khoe đi du lịch đó đây, khoe ở khách sạn 5 sao, khoe xe sang, khoe nhà đẹp vv… Vật chất quyết định đẳng cấp xã hội của mỗi người. Và nếu có đồng tiền trong sạch thì người ta khoe sự giàu có cũng là nhu cầu chính đáng, không có gì là tội lỗi.
Nói đến giải Vietlott, người dân nghi ngờ bao năm qua công ty xổ số điện toán này chỉ phát thưởng giả tạo. Người nhận thưởng phải đeo mặt nạ, không danh tính, không địa chỉ. Nói chung, cả xã hội không biết những người này là ai.
Nguyên tắc hoạt động của công ty xổ số là lấy tiền bán vé để trả thưởng cho người trúng. Tuy nhiên, nếu dựng lên một người trúng ảo, thì công ty xổ số sẽ hốt trọn số tiền giải thưởng, mà lẽ ra thuộc về khách hàng.
Đã 10 năm qua, người dân đặt nghi vấn về tính minh bạch trong cách trao giải của công ty Vietlott. Tuy nhiên, năm 2016, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc Vietlott khẳng định, Vietlott rất muốn công khai danh tính người chơi trúng thưởng, để tạo sự minh bạch, nhưng bản thân người chơi muốn giữ bí mật. Việc bảo mật thông tin là trách nhiệm của bất cứ doanh nghiệp kinh doanh xổ số nào, khi được khách hàng yêu cầu.
“Khách hàng trúng thưởng Jackpot cho biết, họ rất ngại nếu để lộ thông tin và luôn mang tâm trạng lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí sợ ảnh hưởng đến tính mạng người thân trong gia đình”, ông Đạm biện minh cho cách trao thưởng của Vietlott.
Câu nói của ông Đạm là một câu ngụy biện. Ông ngụy biện để hợp thức hóa cách làm mờ ám của Vietlott. Bởi số người không muốn khoe của rất ít trong xã hội. Cho nên nói, tất cả các khách hàng đã trúng giải Vietlott, ai cũng muốn giấu thông tin là không thỏa đáng. Còn ý nói rằng, người trúng số lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và người thân của họ, thì lại càng vô lý. Vì thực tế, các đại gia trên sàn chứng khoán khoe tài sản nghìn tỷ, thậm tý tài sản đến tỷ đô, thì có ai đã bị đe dọa đâu? Vậy tại sao trúng số cao lắm chừng 100 tỷ lại sợ nguy hiểm?
Điều này cho thấy rất có thể phía chính quyền đang ngụy biện cho trò chiếm dụng tiền người chơi một cách thô thiển.
Từ năm 2016 đến nay, Vietlott luôn phát thưởng cho những người mang mặt nạ. Mỗi năm, Vietlott có đến 20 đến 30 lần mở thưởng. Mỗi lần trúng khoảng từ 50 đến 100 tỷ đồng. Như vậy, nếu Vietlott tạo ra người trúng ảo để chiếm dụng tiền thưởng, thì mỗi năm họ chiếm dụng của người dân khoảng trên dưới 2 ngàn tỷ đồng. Một con số rất lớn.
Giải Jackpot của Vietlott là theo mô hình xổ số kiểu Mỹ. Tại Mỹ, người trúng số được công khai danh tính. Có người trúng đến tỷ đô mà họ vẫn không bất an. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao Công ty Vietlott (Vietlott là công ty nhà nước) sao chép mô hình này?
Mới đây, nhiều tờ báo trong nước cùng đưa một mẫu tin giống nhau, tin nói về việc ông N.D.P quê ở Quảng Ngãi, sinh sống tại TP. HCM, đã trúng jackpot 73 tỷ. Các tờ báo này đều dẫn lời chủ nhân giải thưởng, rằng: “Tôi mua vé số cho vui, như một thói quen giải trí; mua niềm vui mỗi ngày nên tôi không để ý giá trị Jackpot có lên cao hay không. Khi nhận được tin nhắn trúng thưởng của Vietlott, tôi nghĩ chỉ trúng 30.000 đồng hay 50.000 đồng như những lần trước”.
Thật may mắn, chúng tôi cũng hỏi ý kiến một bạn làm trong Vietlott về bài báo, thì người này trả lời rằng, “dạo này thu nhập từ vé giảm nhiều và công ty đã PR để “lùa gà””. Không biết anh này có nói thật hay không, tuy nhiên, khó mà bác bỏ lời nhận xét này thật.
Thực ra, không phải chỉ người “trúng thưởng” mang mặt nạ, mà dường như, Công ty Vietlott cũng đang đeo mặt nạ trong hàng chục năm qua. Người ta nghi ngờ Vietlott là công ty lùa gà nhưng mang mặt nạ công ty xổ số.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tienphong.vn/mua-vietlott-cho-vui-bat-ngo-trung-73-ty-dong-post1527790.tpo