Ông Tổng ra tay, vì công lý hay mượn công lý để hạ sát nhau?

Vụ án chuyến bay giải cứu, Viện Kiểm sát đề nghị 18 bị can bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình, trong tổng số 54 bị cáo. Một tỷ lệ án án cao chưa từng thấy. Những người trục lợi trên sự khốn khó của đồng bào bị mắc kẹt tại đất khách đáng bị trừng trị. Tuy nhiên, xét về hậu quả thì chuyến bay giải cứu gây ra tổn thất về tinh thần và tiền của, của những người dân xa xứ, chứ không có thiệt hại về nhân mạng. Vì vậy, đề xuất trên là vô cùng nghiêm khắc.

Ngược lại, vụ án 4 tiếp viên hàng không vận chuyển 11kg ma túy tổng hợp, được Công an TP. HCM thả, là một vụ việc không thể chấp nhận, vì nó trắng trợn chà đạp lên luật pháp. Xét về mức độ tác hại của tội vận chuyển ma túy và tội trấn lột hành khách bay, thì rõ ràng, tội vận chuyển ma túy gây hại nghiêm trọng hơn nhiều.

Trấn lột hành khách, bị đề nghị 18 án ở khung có hình phạt tử hình

Ai cũng biết, ma túy là chất hủy hoại con người vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt, người dùng nó gần như không thể cai nghiện. Nó bào mòn thể lực, trí lực và nhân cách. Trong khi đó, nạn nhân của chuyến bay giải cứu chỉ bị trấn lột tiền, họ cũng sẽ tự lành vết thương tinh thần và phần mất mát vật chất khi mua vé là không nghiêm trọng như mất mát do ma túy mang lại.

Nói như thế để so sánh khách quan, chứ không có ý bào chữa cho những kẻ đã rắp tâm trục lợi trên sự khó khăn của đồng bào. Họ xứng đáng bị luật pháp trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên, tội trấn lột hành khách mà nhận án tử thì có phải là quá hà khắc hay không? Tại sao tội vận chuyển ma túy, bị bắt tại trận, với tang chứng vật chứng đầy đủ, lại được thả công khai?

Con voi thì không thấy nhưng con kiến vẫn nhìn rất rõ là hình ảnh của nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa. Ăn cắp con gà về nhậu, một người bị kêu án 7 năm tù, nhưng ăn cắp ngân sách ngàn tỷ thì được hưởng án treo. Đấy là loại hình công lý của nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa. Với loại tư pháp như thế này, liệu nó có mang lại công bằng xã hội được hay không?

Thả tội phạm ma túy

Vụ án chuyến bay giải cứu là đại án, tuy nhiên, người chịu thiệt hại là dân, những người bị mắc kẹt giữa đất khách trong mùa dịch. Vé máy bay đã bị nhóm lợi ích này nâng khống lên gấp từ 4 đến 5 lần giá vé tình thường. Nếu không có tiền của nạn nhân thì làm gì những quan chức có tiền mà chia chác nhau? Như vậy, nếu muốn lấy lại công bằng trong vụ án này, thì phải lấy lại công bằng cho nạn nhân chuyến bay. Cho đến nay, hồ sơ truy tố đợt một gồm 54 bị cáo đang được hoàn thiện, nhưng cơ quan điều tra không hề đả động gì đến việc triệu tập những người bị hại. Và điều này cũng có nghĩa, khi phiên tòa này diễn ra, thì tòa sẽ tuyên án các bị cáo, chứ không có sự bồi thường thiệt hại nào cho nạn nhân.

Một khi quyền lợi của nạn nhân bị phớt lờ, thì câu hỏi đặt ra là, việc chính quyền khởi tố vụ án chuyến bay giải cứu để mang lại điều gì? Mang lại công lý ư? Mang lại công lý sao phớt lờ thiệt hại của nạn nhân? Như vậy thì người dân cũng cần phải đặt lại câu hỏi, phải chăng vụ án này chỉ để hạ sát nhau, chứ không phải vì công lý, vì người bị hại đâu?

Khi phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu diễn ra, ắt báo chí sẽ tung hứng về sự nghiêm khắc của luật pháp, sẽ ca tụng về thứ công lý Xã hội Chủ nghĩa. Tuy nhiên, công lý thực sự thì vẫn không có. Ở xã hội Việt Nam, việc đánh nhau chí tử giữa các băng nhóm, nhờ vào công cụ luật pháp, kẻ chiến thắng sẽ hô hào đó là công lý, kẻ chiến bại thì im lặng chấp nhận.

Án tử cho tội trấn lột, nhưng tha bổng cho tội vận chuyển ma túy. Đấy là hình ảnh về nền tư pháp Xã hội Chủ nghĩa. Đấy cũng là bản chất. Sẽ không có công bằng cho người dân, vì luật pháp chỉ là công cụ của kẻ mạnh.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

 

Kasse animation 7.8.2023