Nhà đầu tư nước ngoài e ngại về sự bất ổn chính trị của Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/bcfCFifrp7g

Một bản tin trên trang RFI Tiếng Việt ngày 11/4 cho biết, theo Phòng Thương Mại Châu Âu, “Doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Việt Nam”.

Bản tin trên RFI dẫn công bố của Phòng Thương Mại Châu Âu hôm 11/4, về kết của của một cuộc khảo sát, thì các nhà đầu tư nước ngoài không kỳ vọng có sự thay đổi lớn nào đối với việc đầu tư tại Việt Nam, trong quý II này, sau khi dòng vốn bị suy giảm trong ba tháng đầu năm.

Bản tin cho biết, nếu chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý xác nhận Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài, thì 58% trong số 200 công ty và cá nhân châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định, họ không dự trù thay đổi kế hoạch đầu tư ở Việt Nam trong quý II.

Kết quả khảo sát cho thấy, 55% các nhà quản lý nước ngoài không có ý định tăng số nhân viên và 16% dự định cắt giảm bớt việc làm. Chỉ còn khoảng ¼ số người được hỏi là vẫn tỏ ra lạc quan về kế hoạch tuyển dụng.

RFI dẫn nhận định của Phòng Thương Mại Châu Âu cho biết, nguyên nhân một phần là do nhu cầu toàn cầu giảm, nhưng mặt khác, những bất ổn về chính trị gần đây như việc bãi nhiệm Chủ tịch nước và nhiều quan chức Chính phủ cao cấp trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, cũng như tình trạng pháp lý ở Việt Nam, khiến nhiều nhà quản lý nước ngoài phải tỏ ra thận trọng.

Hình: Bản tin trên RFI

Do vậy, theo RFI, kết quả khảo sát đưa đến khuyến nghị rằng, Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài – FDI.

Hãng tin Reuters nhắc lại, Hà Lan, Pháp, Luxembourg và Đức là những nhà đầu tư hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt quá 20 tỷ đô la. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với các khoản đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2023 là 3,32%, giảm rất nhiều so với mức 5,92% cùng kỳ năm 2022. Hàng nghìn lao động đã bị cắt giảm trong các ngành gia công giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những điểm gia công hàng đầu thế giới cho các hãng lớn như Adidas và Nike của Đức.

Với cùng một chủ đề, VOA Tiếng Việt ngày 11/4 cho biết thêm, Việt Nam tiếp nhận 4,3 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý đầu tiên, giảm 2,2% so với một năm trước đó, theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ được công bố vào cuối tháng 3.

VOA nhắc đến việc truyền thông trong nước dẫn lời ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam cho biết, trong quý I vừa qua, kinh tế Việt Nam đối mặt với vô vàn thách thức như lạm phát gia tăng, đơn hàng từ các đối tác lớn của Việt Nam như châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ suy giảm.

Hình: Bản tin trên VOA

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh có chiều hướng giảm sút, hôm 10/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ký ban hành một công điện nhằm “thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu”, với việc “tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Những bất ổn về chính trị ở Việt Nam diễn ra liên tiếp trong năm 2022 và kéo dài sang năm 2023, với hàng loạt quan chức bị bãi nhiệm hoặc khởi tố, đỉnh điểm là việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và 2 Phó Thủ tướng bị bãi nhiệm đã thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế và có nhiều ý kiến trái chiều.

Có luồng ý kiến cho rằng, việc thay đổi nhân sự sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách về kinh tế vào đối ngoại của Việt Nam, bởi các chính sách này đều được Bộ Chính trị của Đảng quyết định, các nhân sự lãnh đạo chỉ là người thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ra đi của những lãnh đạo kỹ trị có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại. Đến nay, có vẻ như xu hướng này đã đúng.

Hình: Những ý kiến trái chiều về bất ổn chính trị Việt Nam

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Thái Văn Đường bị bắt cóc và mối nguy hiểm đối với người Việt Nam tị nạn tại Thái Lan

>>> Cuộc đua giữa Thủ tướng Chính và Tô Lâm, vì “nhát gan” đã làm Tô Lâm chậm tiến

>>> Ai bao che cho những kẻ phản quốc, ăn cắp di sản quốc gia đem bán ngoại bang

>>> Bản chất của Đảng, dùng quyền để tư lợi

Phiên tòa xét xử kín với blogger Nguyễn Lân Thắng: Luật sư nhân quyền cho rằng chính quyền muốn né tránh quan chức ngoại giao


Kasse animation 7.8.2023