Link Video: https://youtu.be/UGeQtZK55e4
Ngày 10/4, RFA Tiếng Việt có bài “Lập trường của Ukraine về Biển Đông và lựa chọn của Việt Nam”.
Theo bài báo, vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio thăm Ukraine (ngày 21/3), còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga (ngày 20/3). Hai chuyến thăm gần như diễn ra cùng lúc của hai nhà lãnh đạo hai cường quốc kinh tế Đông Bắc Á, đến hai quốc gia đang đối đầu nhau, Nga và Ukraine, đã đưa ra hai bản tuyên bố có thông điệp đối lập nhau. Trong đó, đáng chú ý là bản tuyên tố chung của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi có nội dung phê phán các hành động đơn phương dùng vũ lực trên Biển Đông.
RFA cho biết, sau chuyến thăm Nga của ông Tập, tàu khảo sát biển của Trung Quốc vốn đang xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã quấy phá khu vực khai thác dầu khí chung của Việt Nam và Nga ở Bãi Tư Chính. Đến ngày 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, và lặp lại tuyên bố hồi năm 2022 khi ông thăm Mỹ, “Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”, đồng thời nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cũng trong ngày này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tàu khảo sát của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam. Những động thái này đặt ra nhiều vấn đề về an ninh, quyền lợi quốc gia và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Các tuyên bố chung của Trung Quốc và Nga đề cập đến vấn đề hòa bình ở Ukraine, nhưng không nói đến việc Nga phải ngừng xâm lược và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Tuyên bố này cũng bày tỏ thái độ chống lại chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” của Hoa Kỳ, cho rằng chính sách này tác động tiêu cực đến hòa bình và an ninh trong khu vực. Đồng thời họ cũng “bày tỏ quan ngại sâu sắc” trước việc NATO tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng, điều đó sẽ làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Tuy nhiên, tuyên bố này không nói sự hợp tác đó “gây hại” cho khu vực như thế nào.
Trong khi đó, theo RFA, tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật và Tổng thống Ukraine có bốn mục lớn, đó là: Đoàn kết chống Nga xâm lược Ukraine; Hợp tác trong bối cảnh Nhật Bản đảm nhiệm Chủ tịch G7; Mở rộng hợp tác song phương, và Hợp tác trên trường khu vực và quốc tế.
Bản tuyên bố của Nhật – Ukraine cũng kêu gọi hòa bình, nhưng điều kiện hòa bình là Nga phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bằng cách ngừng tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ nước này.
RFA cho biết thêm, trong chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở” của Hoa Kỳ mà Trung Quốc và Nga phản đối, có bao gồm một chương trình nhỏ là “Đối tác Mekong – Hoa Kỳ”, nhằm trợ giúp các nước Tiểu vùng sông Mekong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, khắc phục các hậu quả khi Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện giữ nước ở thượng nguồn dòng sông này.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nhận xét, Nhật theo quan điểm của phương Tây và chiến lược đối ngoại của họ đồng nhất với Mỹ, còn Trung Quốc thì không lên án và không tham gia trừng phạt Nga.
Vẫn theo RFA, ngoài vấn đề về cuộc chiến Ukraine, Tuyên bố chung Nhật bản – Ukraine và Trung Quốc – Nga còn đối lập nhau ở vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật – Ukraine ủng hộ Luật biển Quốc tế và hòa bình trên Biển Đông, “khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các quy định về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì tự do hàng hải và hàng không”. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”.
Trước việc Ukraine đang bị Nga xâm lược nhưng vẫn ủng hộ Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, dù chỉ là qua một tuyên bố chung với Nhật Bản. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu nhận xét với RFA:
“Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược không chọn phe trong lúc nguy cơ và rủi ro chiến tranh xảy ra với Việt Nam còn nhỏ; trong trường hợp nguy cơ và rủi ro chiến tranh lớn đến mức mấp mé chiến tranh, Việt Nam sẽ phải xem xét lại chiến lược không chọn phe.”
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ông Thưởng mắc lỗi lớn khi tiếp đón tiếp ông David Hurley
>>> Trung Quốc gây sức ép, Nga có nhượng bộ trên Biển Đông?
>>> Blogger Nguyễn Lân Thắng không đồng ý bị “xét xử kín”
Thủ tướng Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 3 chăm sóc 1 nhưng bất lực!