Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ảm đạm, liệu chính quyền có thể tìm ra giải pháp để vực dậy?

Link Video: https://youtu.be/781WFyhhZSk

Đài RFA Tiếng Việt hôm 6/4 có bài “Kinh tế TP. HCM ảm đạm chưa từng thấy, báo hiệu một năm không như kỳ vọng”. Theo đó, kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực TP. HCM trong quý 1 vừa qua đã sụt giảm nhiều hơn dự kiến, báo hiệu một năm 2023 kinh tế ảm đạm hơn dự báo.

RFA dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống còn 3,32% trong quý đầu tiên và lạm phát cả nước tăng 4,18% trong quý 1.

RFA dẫn ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, đánh giá rằng, đây là mức tăng trưởng rất thấp, do tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng theo bởi không có đơn hàng xuất khẩu. Nguyên do thứ hai đến từ thị trường trong nước, trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản.

RFA dẫn tin từ Reutes cho biết, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu tiên giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn FDI giải ngân giảm 2,2%.

Từ ngày 15/3, Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất, Tiến sỹ Hiếu cho rằng, hành động này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam, bởi Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là tiếp tục tăng lãi suất. Lúc này, Việt Nam giảm lãi suất sẽ khiến tăng tỷ giá đồng đô-la Mỹ so với tiền đồng, điều này có thể tạo ra bất ổn trên thị trường ngoại hối và làm tăng giá của hàng nhập khẩu.

RFA cho biết, tình hình kinh tế chung của cả nước đang đi xuống, trong đó, thành phố HCM, đầu tàu kinh tế tài chính cả nước, là nơi chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất trong vài tháng qua. Theo báo cáo từ Cục Thống kê, tăng trưởng của TP. HCM trong quý một chỉ đạt 0.7%. Đây là mức quá thấp, thấp đến khó tưởng tượng được.

RFA dẫn ý kiến của Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết, ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài như Hoa Kỳ tăng lãi suất hay các nước đối tác của Việt Nam giảm đơn hàng sản xuất, thì các yếu tố nội tại sau đây là lý do khiến TPHCM chịu ảnh hưởng xấu nhất. Đó là sự bất ổn trên thị trường bất động sản và trái phiếu; lãi suất cao; và các dự án đầu tư công triển khai rất chậm.

Theo ông Vũ, đáng ra, trong trường hợp nền kinh tế bị khủng hoảng, thì Chính phủ có thể triển khai đầu tư công để tạo ra công ăn việc làm, đưa tiền vào sản xuất. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng đã dẫn đến tình trạng quan chức ngần ngại trong việc triển khai đầu tư công, bởi rất dễ mắc sai lầm. Hơn nữa, nếu làm đầu tư công mà quan chức không có ăn được phần trăm trong đó thì họ không dại gì mà làm.

Hình: Bài trên RFA

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo rằng, trong thời gian sắp tới, kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương hay Đồng Nai cũng đều sẽ bị trì trệ, RFA cho hay.

Tiến sĩ Hiếu dự báo rằng, do giá dầu thô trên thế giới tăng, sẽ khiến cho lạm phát vốn đã cao còn tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, thu nhập của người lao động lại giảm và số lượng người thất nghiệp sẽ tăng, vì đơn hàng bị giảm ở các khu công nghiệp. Chắc chắn, đời sống người dân sẽ còn khó khăn hơn, dẫn đến nguy cơ tội phạm tăng.

RFA chi biết, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất một số giải pháp để khắc phục tình hình. Thứ nhất, Chính phủ nên trở lại chương trình xây dựng một trung tâm tài chính cho TP. HCM, ví dụ như theo mô hình trung tâm tài chính của Thâm Quyến hay các trung tâm tài chính như ở New York, nhằm giúp doanh nghiệp có thể được tiếp cận với tất cả những dịch vụ, sản phẩm tài chính, từ ngân hàng cho đến các quỹ đầu tư…

Thứ hai, tất cả các thủ tục hành chính tại TP. HCM liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, kinh doanh, cần phải được cải tổ cho thông thoáng hơn. Nạn tham nhũng phải được tiêu trừ một cách tận gốc thì có thể kinh doanh sẽ được khởi sắc. Các khu công nghiệp cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và các nhà kinh doanh nên đi tìm những thị trường mới để phân tán rủi ro và phát triển ngoại thương một cách mạnh mẽ hơn.

TP. HCM cũng cần cải tổ mạnh mẽ trên tất cả những thị trường, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến thị trường bất động sản, ngân hàng, ngoại tệ hay vàng… phải bơm thanh khoản vào để vực dậy các thị trường đó, từ đó “bơm máu” vào trong nền kinh tế để vực dậy thành phố.

Tuy nhiên, RFA dẫn lời ông Hiếu cho biết, ông chưa thấy có chính sách khả thi và cụ thể nào từ chính quyền Trung ương cũng như địa phương để vực dậy kinh tế của thành phố.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Công lý đã thua và không thể phục hồi lại được

>>> Việt Nam bị chỉ trích vì không tôn trọng cam kết trong EVFTA

>>> Cất tiếng hát chống giặc Mỹ, Vy Oanh “gào thét” xin “Giặc” cứu đời khỏi nanh vuốt “Cách mạng”

>>> Đố ai đếm được lá rừng, đố ai đếm được cả rừng quan tham?

Cơ quan giám sát cho thuê hàng không đưa ra cảnh báo về Việt Nam sau tranh chấp máy bay


Kasse animation 7.8.2023