Đối thoại Nhân quyền Việt – Úc: Khi nhân quyền và kinh tế đối đầu.

Link Video: https://youtu.be/GKqes2n_yCs

Truyền thông nhà nước loan tin, Toàn quyền Úc, ông David Hurley bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 6/4. Ông David Hurley đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch.

Theo thông cáo chính thức, ông David Hurley sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tin từ RFA cho hay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã yêu cầu Toàn quyền Úc David Hurley kiểm soát và xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố, sử dụng lãnh thổ Úc để thực hiện hoạt động “chống phá Việt Nam”.

Việc đề nghị Úc xử lý các hoạt động “chống phá” Việt Nam để bảo vệ an ninh cả hai quốc gia, được đánh giá là một thông điệp mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, phía Úc cần xem xét kỹ vấn đề này, để đảm bảo không có sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của các công dân Úc.

Việt Nam và Australia đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vào thời điểm thích hợp. Thông tin này được chia sẻ tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Australia David Hurley, trong chuyến công du của ông Toàn quyền Australia tại Việt Nam.

Năm 2023 đánh dấu 50 năm Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 – 26/2/2023).

Trước chuyến công du này, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tại Australia đã đưa ra tuyên bố, kêu gọi Toàn quyền David Hurley phải bày tỏ sự quan tâm của ông đối với hàng loạt vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang xảy ra tại Việt Nam. Theo Giám đốc HRW Australia, việc tháo gỡ tình trạng 160 người bị bắt giữ vì bày tỏ quan điểm ôn hòa và thực thi các quyền cơ bản là điều cần thiết.

Toàn quyền David Hurley được yêu cầu phải thúc giục Chính phủ Việt Nam thả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị và có lời kêu gọi đặc biệt về việc trả tự do ngay và vô điều kiện đối với công dân Úc gốc Việt 73 tuổi, ông Châu Văn Khảm.

Hình: Tin từ RFA

Chuyến công du Việt Nam của Toàn quyền David Hurley diễn ra trước vòng Đối thoại Nhân quyền Việt – Australia lần thứ 18, sẽ được tiến hành ở Hà Nội vào cuối tháng 4 này.

Đối thoại Nhân quyền Việt – Australia là một hoạt động quan trọng được diễn ra hằng năm giữa hai quốc gia, nhằm chia sẻ và tìm hiểu về tình hình nhân quyền ở những quốc gia này. Tuy nhiên, đây chỉ là những cuộc đối thoại “kín” giữa chính phủ hai nước, báo chí sau đó chỉ đưa tin chung chung và thường không có cam kết cụ thể từ Chính phủ Việt Nam sau đó.

Năm 2022, đối thoại Nhân quyền Việt – Úc tập trung vào các vấn đề như quyền của phụ nữ và trẻ em, quyền của người khuyết tật và cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được đề cập, bao gồm bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận.

Chuyến thăm của Toàn quyền David Hurley tại Việt Nam được xem là cơ hội để hai nước mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và thương mại. Vấn đề thiếu hụt lao động của Úc trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề cấp bách và Úc đang cần tuyển dụng lao động giá rẻ từ Việt Nam.

Có thể thấy rằng, những năm gần đây Chính phủ Úc không quá quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, điều này hoàn toàn có lý do của nó. Úc đang đối mặt với nhiều khó khăn trong lĩnh vực lao động và cần tìm nguồn lao động giá rẻ, trong khi vấn đề nhân quyền của một đất nước như Việt Nam chỉ là một trong nhiều vấn đề.

Việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia là một bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong hành trình ấy, các vấn đề như nhân quyền cần phải được xử lý một cách nghiêm túc để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và hài hòa của hai quốc gia.

Quang Minh Thoibao.de

>>> Chính sách Nhân quyền và sự cân bằng quyền lực sau khi ông Võ Văn Thưởng được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước.

>>> Lò cụ Tổng có triệt để chống được tham nhũng?

>>> Hà Nội sẽ xử kín nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng

>>> Nhóm người Việt bị bắt ở Hàn Quốc vì tiêu thụ đồ gian

Quan chức Việt nhận hối lộ triệu đô trong chuyến bay giải cứu


Kasse animation 7.8.2023