Việt Nam xử lý hơn 500 vụ án tham nhũng trong ba tháng đầu năm 2023.

Link Video: https://youtu.be/fR_LdvqJgL8

Ngày 1/4, nhiều tờ báo trong nước loan tin, trong 3 tháng đầu năm 2023, các tỉnh, thành của Việt Nam đã khởi tố 512 vụ án mới, liên quan đến tham nhũng, với 1.283 bị can. Trong số đó, có 225 vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên và có tổng cộng 835 bị can.

Thông tin này được Ban Nội chính Trung ương công bố sau cuộc họp giao ban với các địa phương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực.

Theo tường thuật của báo chí, các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều vụ tham nhũng, bao gồm các vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC và đăng kiểm… Nhiều vụ án vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra, ví dụ như vụ đăng kiểm, bắt đầu từ TP. HCM, nay đã lan ra rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Phan Đình Trạc, khẳng định rằng việc thành lập các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực tại cấp tỉnh đã phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thể hiện sự nhất trí cao trong việc phòng chống tham nhũng.

Theo truyền thông trong nước, ông Trạc ghi nhận, một số địa phương đã xử lý nghiêm các vụ tham nhũng liên quan đến cán bộ diện tỉnh ủy quản lý, như Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, TP.HCM, Phú Yên, Hòa Bình và Thái Nguyên. Tuy nhiên, ông lưu ý về việc tránh tình trạng tắc trách, khi “lúc ra mắt rầm rộ nhưng sau cứ thưa thớt nguội lạnh dần“. Do đó, ông đề nghị các ban chỉ đạo địa phương nên có chương trình, kế hoạch và quy chế bài bản, đôn đốc thực hiện thường xuyên.

Ông Trạc cũng đề nghị các tỉnh, thành, trong thời gian tới phải tăng cường kiểm tra và giám sát các lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng và tiêu cực. Các lĩnh vực này bao gồm, quản lý và sử dụng tài chính công, đầu tư công, quy hoạch, đất đai, tài nguyên và khoáng sản, đấu thầu và đấu giá, chứng khoán, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, y tế và giáo dục, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, và kê khai tài sản và thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn.

Hình: Báo VOA đưa tin về sự kiện này

Các nguồn tin truyền thông cho hay, trong 5 tháng qua (tính từ tháng 10/2022 đến 3/2023), Việt Nam đã thu được trên 17.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế, về cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, chính quyền cũng gặp khó khăn trong việc truy thu số tiền tham nhũng, do số lượng tài sản trong hầu hết các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy mạnh chiến dịch phòng chống tham nhũng, còn gọi là chiến dịch “đốt lò”, trong những năm gần đây, với vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu. Chiến dịch “đốt lò” này nổi tiếng với các khẩu hiệu mạnh mẽ, như: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy“, hay “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ“…

Đưa tin về sự kiện này, đài VOA Tiếng Việt dẫn thông tin từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết, Việt Nam hiện có chỉ số cảm nhận tham nhũng là 42 trên 100 điểm, đứng thứ 77 trên 180 nước được xếp hạng vào năm 2022, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng.

So với các nước trong cùng khu vực, mức độ tham nhũng của Việt Nam tệ hơn Singapore (đứng thứ 5), Malaysia (61), Trung Quốc (65). Mặc dù có nhiều vấn đề về tham nhũng, tuy nhiên, mức độ tham nhũng của Việt Nam không trầm trọng so với nhiều nước trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.

Ở Việt Nam, có một điều kỳ lạ là càng chống tham nhũng thì tham nhũng lại càng lan mạnh. Khi không thể tham nhũng thì cán bộ phản ứng bằng cách: Không làm gì cả.

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> AIC cháy tới Bình Thuận, Quảng Ninh vẫn là “cục xương khó gặm”

>>> Sợ bị đẩy rơi vào lò, Nguyễn Văn Thể cay cú “thế lực thù địch”?

>>> Lấy phiếu tín nhiệm, trò hề hay chiêu trò để “làm cỏ dưỡng lúa” của ông Tổng?

>>> Sau cú càn quét của bà Nguyễn Phương Hằng, thành phần Showbiz đen “lòi mặt chuột”?

“Cuộc chiến thông tin” – Đảng đang chống lại dân


Kasse animation 7.8.2023