Nga xoay trục sang châu Á khi bị phương Tây cấm

Link Video: https://youtu.be/m8rz82xIMXQ

Ngày 25/2/2023, nhà nghiên cứu Hubert Testard đăng bài bình luận trên trang mạng châu Á Asialyst: “Nga: Chính sách xoay trục sang châu Á đang tăng tốc”.

Bài báo chỉ ra rằng, khi mối quan hệ với châu Âu rạn nứt do chiến tranh Ukraina, Nga đã xoay trục, phát triển giao thương với châu Á. Nhưng sự xoay trục này là bất đối xứng và ngày càng mang tính lệ thuộc.

Theo tác giả, Putin đã chính thức hóa ý tưởng “xoay trục sang châu Á” tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2012. Cuộc chiến xâm lược Ukraina càng khiến Nga tăng tốc xoay trục nhanh hơn.

Sự tăng tốc này thể hiện rõ nét khi hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng đến 43% về giá trị. Trung Quốc xuất khẩu sang Nga tính cả năm 2022 cũng tăng 12%.

Khí đốt Trung Quốc nhập từ Nga tăng mạnh hơn so với dầu, tổng cộng là 11 tỷ đô la – so với 58 tỷ đô la nhập khẩu dầu. Trung Quốc khai thác tiềm năng của đường ống “Sức mạnh Siberia” đi qua Mông Cổ. Tuy nhiên, theo tác giả, có vẻ như không phải phía Bắc Kinh cần, mà chính Moscow mới là bên cần Trung Quốc tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Nga.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm vai trò cần thiết để nền kinh tế Nga được duy trì. Tác giả dẫn thông tin của hãng thông tấn Nga Oreanda mới đây cho biết, 2/3 số doanh nghiệp lớn của Nga đã mua phụ tùng của Trung Quốc thay vì mua của phương Tây. Hoàn Cầu Thời Báo thì cho biết, ngay từ tháng 7/2022, điện thoại di động Trung Quốc chiếm 70% thị phần Nga.

Về tiền tệ, tác giả dẫn thông báo từ Bộ Tài chính Nga vào ngày 30/12/2022 rằng, Quỹ đầu tư quốc gia của nước này sẽ không còn giữ tài sản bằng đồng đô la, mà nâng hạn mức tài sản bằng nhân dân tệ lên 60%. Sự xoay trục về tiền tệ khá đột ngột này có thể kéo theo những rủi ro trung hạn cho Nga mà các cơ quan quản lý tiền tệ của Nga hiện chưa tính đến, tác giả nhận xét.

Bên cạnh Trung Quốc, tác giả cho biết, Ấn Độ đang phát triển chính sách mua “không giới hạn” hàng dầu thô mà Nga chào bán, với mức giảm giá đáng kể. Nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gần gấp 5 lần trong 10 tháng, từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, trong đó, lượng phân bón Ấn Độ mua của Nga cũng tăng gấp 4 lần.

Tuy nhiên, xuất khẩu từ Ấn Độ sang Nga đã giảm 1/3 trong năm tài khóa 2022, đặc biệt là đối với thiết bị cơ khí và điện hoặc các sản phẩm luyện kim. Theo tác giả, điều này cho thấy, Ấn Độ là một đối tác hoàn cảnh của Nga hơn là một đồng minh kinh tế về lâu dài.

Hình: Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2012 do Nga chủ trì

Việc Nga xoay trục sang châu Á không thể thiếu vai trò của Việt Nam. Tác giả cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối ASEAN. Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 21% (cao hơn cả tỉ lệ xuất khẩu của Trung Quốc) và đạt mức thặng dư thương mại rất cao. Và hàng Việt Nam đang cạnh tranh với hang Trung Quốc tại Nga, liên quan đến hàng điện tử, hàng dệt may, quần áo, giày dép và nông sản. Các tuyến vận chuyển từ Việt Nam sang Nga gần đây cũng đã được tăng cường, trước hết là qua tuyến đường biển đến Vladivostok, rồi từ đó đến Moscow bằng đường sắt. Tác giả cho biết thêm, Việt Nam bị Cơ quan Điều tra Môi trường của Anh nghi ngờ tái xuất khẩu đồ nội thất làm từ gỗ bạch dương của Nga sang các thị trường phương Tây.

Trong khi đó, Nhật Bản lại gặp một số khó khăn trong việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow, dù họ đứng đầu liên minh chiến lược với phương Tây chống lại cuộc chiến của Nga ở Ukraina. Tuy việc xuất khẩu của Nhật Bản sang Nga đã giảm gần 30% trong năm 2022. Nhưng Nhật nhập khẩu hàng Nga với tốc độ tăng ổn định là 26%. Các sản phẩm về dầu và các chế phẩm từ dầu nhập từ Nga đã giảm mạnh về giá trị và nhất là về lượng, tới 56%, nhưng với khí tự nhiên hóa lỏng, Nhật Bản vẫn nhập của Nga ổn định về lượng và tăng 85% về giá trị, chiếm 1/3 tổng lượng hàng nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2022.

Về xuất khẩu, cho dù các nhà sản xuất Nhật Bản đã thông báo rút khỏi thị trường Nga, nhưng doanh số bán xe hơi vẫn được duy trì (chỉ giảm 2,5%), do Nga phải mua xe cũ của Nhật.

Hàn Quốc lại tích cực trừng phạt Nga. Tác giả cho biết, thương mại song phương Hàn – Nga giảm 22,6% trong năm 2022, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nga giảm 37% và xuất khẩu của Nga đến Hàn giảm 14%.

Về tổng quan, tác giả nhận xét, thương mại giữa Nga và các đối tác châu Á trong năm 2022, trừ Hàn Quốc, đã cho thấy việc tăng tốc xoay trục của kinh tế Nga sang châu Á. Việc xoay trục này sẽ giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng chính điều này khiến Nga trở nên lệ thuộc vào châu Á, nhất là vào Trung Quốc, nước có có khả năng áp đặt giá cả và các điều kiện của “quan hệ đối tác không giới hạn”.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Xe điện VinFast tự bốc cháy trong phòng trưng bày ở Đức

>>> Ngưu tầm ngưu, Tập đi thăm Putin

>>> Quản lý cấp cao nghỉ việc, ngày tàn của VinFast đang đến

Tôn chỉ xuyên suốt của các thế hệ lãnh đạo Đảng: Thà mất nước còn hơn mất Đảng


Kasse animation 7.8.2023