Luật sư nhân quyền Việt Nam – một nghề nguy hiểm

Link Video: https://youtu.be/r-P-lg9BuoA

Nghề luật sư ở Việt Nam những năm gần đây bị nhiều tai tiếng vì thường bắt chẹt thân chủ và dính đến những vụ “chạy án”. Nhưng ở Việt Nam vẫn có nhiều luật sư chân chính và can đảm, họ dám nhận bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại tòa cho những người bất đồng chính kiến hoặc những vụ án oan. Thông thường, những lý lẽ để bảo vệ thân chủ của họ không được tòa án chấp nhận, nhưng sự tham gia của họ giúp cho những thông tin từ bên trong những phiên xử kín đến được với công chúng và giúp cho người chịu oan khuất bớt đi sự cô đơn, bơ vơ sau cánh cổng sắt. Họ là cầu nối giữa những tù nhân lương tâm với gia đình và công chúng.

Họ được công chúng yêu quý gọi là LUẬT SƯ NHÂN QUYỀN.

Trong khi những luật sư khác kiếm tiền khủng từ chạy án, thì luật sư nhân quyền đã bào chữa miễn phí cho rất nhiều trường hợp khó khăn, và họ thường xuyên gặp phải sự gây khó dễ từ chính quyền. Thậm chí, họ có thể đối diện với những điều luật bất công, giống thân chủ của họ.

Mới đây, các luật sư trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai đã gặp phải áp lực và nguy cơ phải đối diện với Điều 331 Bộ luật Hình sự, tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình bào chữa cho 6 thành viên của cơ sở tu hành này.

Một bản tin trên RFA Tiếng Việt ngày 9/3 cho hay, vào tháng trước, luật sư Đào Kim Lân đã nhận được một thông báo của Công an tỉnh Long An. Thông báo nói rằng, cơ quan này nhận được tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an, về việc một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh Thất Bồng Lai, trong đó có ông Lân, có dấu hiệu vi phạm Điều 331, và hiện nay Công an tỉnh Long An đang xử lý thông tin này.

Ngay sau đó, Luật sư Lân đã có đơn kêu cứu gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, và ngày 7/3, Liên đoàn Luật sư đã gửi công văn đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Long An xem xét đường lối xử lý liên quan đến vụ án “Tịnh Thất Bồng Lai”.

Liên đoàn Luật sư nói rằng, bên cạnh việc giám sát và hỗ trợ quyền hành nghề của luật sư thành viên, họ sẽ quan tâm đến nhận thức, kỹ năng và ứng xử của thành viên trong quá trình tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức này cũng nói “sẵn sàng phối hợp và cử đại diện làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An trong trường hợp cần thiết (hoặc khi có yêu cầu) nhằm góp phần xác minh, làm rõ vụ việc…”

Sự việc này liên quan đến việc Luật sư Lân và một số đồng nghiệp khác có sử dụng kênh YouTube “Nhật ký Luật sư” để ghi chép hoặc phát trực tiếp các hoạt động, hành trình, ý kiến, văn bản liên quan trong một số vụ án mà các luật sư tham gia, trong đó có vụ án nói trên.

Hình: Bản tin trên RFA

RFA dẫn bình luận của luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, văn bản này là con dao hai lưỡi, vì gián tiếp thừa nhận kênh “Nhật ký Luật sư” do luật sư Đào Kim Lân quản lý và hành vi đăng bài là sai trái.

Một luật sư khác bình luận với RFA trong điều kiện ẩn danh rằng, “văn bản này vô thưởng vô phạt, nhưng là cách họ có thể làm hết sức trong vị thế ấy, kiểu như chúng tôi có nghe, có biết… và quan ngại theo dõi.”

Luật sư Đào Kim Lân cho RFA biết, trong đơn kêu cứu gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông cung cấp thông tin về việc ông và các đồng nghiệp bị cản trở trong việc hành nghề luật sư, trong đó có các khiếu nại và tố cáo các hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng của một số cán bộ thuộc Công an huyện Đức Hòa, Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An, Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân của cả huyện Đức Hoà và tỉnh Long An.

Luật sư Đào Kim Lân cho biết thêm, từ các góp ý của Liên đoàn, ông đã tiếp thu, rút kinh nghiệm và gỡ bỏ các nội dung đã đăng tải cũng như các phát ngôn về việc khiếu nại và tố cáo cho phù hợp với ứng xử trên không gian mạng, đồng thời chờ đợi giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ án Tịnh Thất Bồng Lai có 5 luật sư tham gia trợ giúp cho cụ Lê Tùng Vân và những người khác, đó là bà Ngô Thị Hoàng Anh và các ông Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Trịnh Vĩnh Phúc.

RFA cho biết, nhóm luật sư này cho rằng, trong vụ án trên, phía công an có dấu hiệu dàn dựng, gài bẫy, bên cạnh hành vi bao che, bỏ lọt tội xâm phạm chỗ ở công dân, hủy hoại, trộm cắp tài sản… Nhóm luật sư đã có đơn tố cáo các sai phạm về tố tụng nói trên đến Bộ Công an và Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tuy nhiên đơn lại được chuyển về Công an Long An và Viện Kiểm sát Long An là những bên đang bị tố cáo.

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Triều đại” Nguyễn Phú Trọng còn bao lâu? Võ Văn Thưởng dựa dến bao giờ?

>>> Bung núi tiền “giải bí” cho Nguyễn Thanh Nghị, Phạm Minh Chính đang “đánh bạc”!

>>> Võ Văn Thưởng cố tránh dớp, nội lực yếu dễ “sụm”

Hát sai lời, Tuấn Ngọc nhầm lẫn hay tự kiểm duyệt?


Kasse animation 7.8.2023