Trong sự giằng co tránh né chức Chủ tịch nước, Tô Lâm đã giành chiến thắng, khi mà mới đây, một nguồn tin khả tín cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục được ông Võ Văn Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước đầy xui rủi. Trong hai người được cân đo đong đếm kỹ càng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nghe lời Tô Lâm, vì Tô Lâm có lý do xác đáng để ở lại Bộ Công an.
Như Thoibao.de đã phân tích, ông Võ Văn Thưởng đi lên bằng con đường được trải thảm đỏ. Năm 2023, khi mới ở tuổi 53, Võ Văn Thưởng đã được chọn để vào Tứ Trụ. Đây là độ tuổi còn rất trẻ, và hứa hẹn, Võ Văn Thưởng sẽ còn ngồi ở ghế này thời gian dài, nếu không bị tai ương ập đến, như 3 đời Chủ tịch nước trước đây.
Ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ là 2 người được xem như là may mắn ở trong Đảng Cộng sản hiện nay. Ông Vương Đình Huệ được ông Nguyễn Phú Trọng công khai dọn đường để kế thừa chức Tổng Bí thư. Còn ông Võ Văn Thưởng không biết ai dọn, tuy nhiên, người mạnh nhất hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang có động thái nâng đỡ Võ Văn Thưởng. Vì thế ông Thưởng có thể yên tâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước mà không sợ bị kẻ thù tấn công như trường hợp ông Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc.
Năm 2014, ông Võ Văn Thưởng được thuyên chuyển từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, về làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, mục đích là để thay thế ông Lê Thanh Hải làm Bí thư Thành ủy. Đây là con đường thay thế được dọn sẵn. Tuy nhiên, ở Đại hội 12 năm 2016, bất ngờ phe ông Nguyễn Tấn Dũng giành được ghế Bí thư Thành ủy, trao cho Đinh La Thăng, buộc ông Nguyễn Phú Trọng phải kéo Võ Văn Thưởng ra Hà Nội, giao cho chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Có người cho rằng, ông Võ Văn Thưởng thất bại trước ông Đinh La Thăng tại Đại hội 12 là may mắn chứ không phải là rủi ro. Bởi nếu ông Võ Văn Thưởng làm Bí thư Thành ủy mà để cho cấp phó là Tất Thành Cang sai phạm, thì ông Võ Văn Thưởng không khỏi bị vạ lây. Vì thế, ông Thưởng bị thất bại trước Đinh La Thăng cũng là dịp may, ông Thưởng về Ban Bí thư giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo một cách an phận. Đợi hết nhiệm kỳ thì lên chức một cách yên bình.
Việc tiến thân bằng cách dọn cỗ làm cho Võ Văn Thưởng không có điều kiện để giành được những vị trí béo bở, nhưng bù lại, ông Thưởng có rất ít kẻ thù. Cho nên, ông Võ Văn Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước là an toàn nhất. Ông Võ Văn Thưởng sẽ không sao, nếu ông không bất ngờ bị ngã bệnh tự nhiên.
Theo thông tin từ bên trong cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng quyết cân nhắc giữa Võ Văn Thưởng và Tô Lâm cho chiếc ghế Chủ tịch nước, chứ ông nhất quyết không chịu ngồi vào chiếc ghế này một lần nữa. Chưa bao giờ nghe nói ông Nguyễn Phú Trọng mê tín, nhưng qua cách ông tránh né và đùn đẩy chiếc ghế đó cho thuộc hạ, thì cũng phần nào hiểu ý ông.
Trước khi thâu tóm 2 ghế, ông Nguyễn Phú Trọng rất quyết tâm giành lấy nó, để hiện thực hóa mô hình quyền lực theo khuôn mẫu Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau cú đột quỵ tại Kiên Giang khiến tại Đại Hội 13 ông nhất quyết đẩy ghế này đi. Liệu rằng, ông Võ Văn Thưởng ngồi vào ghế có yên bình hay không, thì phải chờ xem.
Như vậy là sự đùn đẩy rồi đến hồi kết thúc, cuối cùng chiếc ghế Chủ tịch nước cũng đã có chủ. Vậy là, hiện nay trong Tứ Trụ, thì hết 3 trụ là cùng phe, phe ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ghế Thủ tướng đang bị bủa vây bởi 3 trụ thuộc phe ông Tổng. Rồi đây, không biết ông Phạm Minh Chính sẽ ăn ở thế nào với 3 trụ còn lại? Cuộc chiến có vẻ không cân sức, không biết ông Phạm Minh Chính sẽ làm gì? Để “sống sót” đến hết nhiệm kỳ, có lẽ cũng đã là một thành công đối với ông Phạm Minh Chính.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)