Cần xây dựng một môi trường chính trị minh bạch để chống tham nhũng

Ngày 5/5, nhà báo nổi tiếng Trương Huy San, còn gọi là Osin Huy Đức, đã đăng trên facebook cá nhân của mình bài viết “Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức”.

Ông San cho rằng, danh dự của một nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng nhưng dân chúng không chờ một lời thanh minh, không chờ ngay cả một lời xin lỗi mà chờ nghe sự thực, sau khi trích dẫn lời thanh minh của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Bài viết trên trang cá nhân của nhà báo Trương Huy San

Trước đó, ngày 4/2, phát biểu trong buổi lễ bàn giao công tác Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”.

Ông San cho rằng, Ủy ban Kiểm tra nên cho dân chúng biết lý do bắt giam 3 người: Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh. Đặc biệt là bà Thủy và bà Linh đã “lợi dụng ảnh hưởng” của ai để “can thiệp, tác động lãnh đạo một số bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á”.

Ông San nhắc lại thảm cảnh của những người bệnh Covid đã chết trong các “trại tập trung” vì thiếu sự chăm sóc, vì quá tải; nhắc lại những người bệnh đã chết vì những căn bệnh khác khi không thể ra ngoài mua thuốc; nhắc đến những F1 đã trở thành F0 vì bị cách ly tập trung trong những cơ sở tạm bợ, thiếu thốn và phải đối diện với nguy cơ lây bệnh.

Ông San nhấn mạnh, dịch bệnh là một thảm họa mà loài người phải đối diện, ngay cả những quốc gia giàu có nhất cũng có hàng triệu người chết. Nhưng, không phải ở quốc gia nào, ngay giữa tâm dịch, dân chúng lại chịu đựng thêm nhiều bi kịch do chính chính sách chống dịch gây ra.

Cuối năm 2020, thế giới đã có vacxin, trước đó, một số nhà sản xuất vacxin đã tiếp cận Chính phủ Việt Nam. Nhưng, cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn không hề có chiến lược vacxin. Ông San viết.

Quả đúng như vậy, người dân Sài Gòn đã trả giá quá nhiều, đã chịu đựng quá nhiều đau thương trong thời gian đại dịch. Chắc nhiều người còn nhớ những hàng rào kẽm ngăn chặn những khu dân cư, khiến hàng trăm ngàn người phải chịu đói khát, kể cả những người có tiền trong tay. Chắc nhiều người còn nhớ cảnh những dãy xe chở quan tài xếp hàng dài chờ đến lượt ở Lò thiêu Bình Hưng Hòa. Chắc nhiều người còn nhớ những hũ tro cốt được các anh shipper ship đến tận nhà… biết bao nhiêu nước mắt, biết bao nhiêu tang thương…

Ông Trương Huy San nhắc lại hình ảnh những lãnh đạo say sưa với “Zero Covid”, ngạo nghễ với giải cứu, đánh bóng hình ảnh bằng “tự lực vacxin và kittest”. Nhưng người Campuchia từ các vùng dịch về đến Phnom Penh chỉ mất 650USD, trong khi người Việt mất từ 2.500 đến 3.000USD.

Ông San cho rằng, những người phải cố chen lên những chuyến bay giải cứu đền đang ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Không phải người “xuất khẩu lao động” hay du học sinh nào cũng thuộc gia đình khá giả. Nhiều bậc phụ huynh phải vay mượn để cho con trở về.

Họ thực sự cần một ông Chủ tịch nước bị truất phế đứng ra thanh minh? Ông San đặt câu hỏi.

“Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bàn giao công tác, nói lý do xin thôi chức”

Ông San nhận xét, không phải bây giờ quan chức mới tham nhũng và cũng không thể căn cứ vào số quan tham bị xử lý để nói bây giờ tham nhũng nhiều lên hay ít đi. Điều khác là, trước đây tham nhũng an toàn hơn và nay, trong số các quan tham có nhiều người bị bắt.

Ông San đánh giá, ngay trong thảm họa mà người ta vẫn chia chác trên sinh mệnh của nhân dân, thì đó là tội ác chứ không phải đơn giản là tội phạm.

Ông San phân tích, minh bạch lý do bị phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc là rất cần thiết. Nếu ông xin từ chức vì có nhiều cấp dưới vi phạm, vì trách nhiệm của người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là người đứng đầu. Nếu những người xung quanh ông sử dụng ảnh hưởng của ông để trục lợi thì không nên tiễn ông bằng hoa và sụt sùi nước mắt.

Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia đó bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật.

Theo ông San, sau 7 năm chống tham nhũng, tuy đã bắt bớ, kỷ luật hoặc buộc thôi việc hàng trăm cán bộ, nhưng chưa có cải cách nào đáng kể để xây dựng một môi trường minh bạch, để quan chức không muốn tham nhũng, không phải tham nhũng (cũng sống xứng đáng) và không thể tham nhũng.

 

Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023