Báo chí nước ngoài bình luận về việc hạ bệ Chủ tịch nước

Ngày 18/1/2023, trang Asia Sentinel đăng một bài bình luận về vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị bãi nhiệm của tác giả David Brown. Tác giả David Brown là cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel.

Thoibao.de xin lược dịch như sau:

Bài viết trên trang Asia Sentinel

“Chủ tịch nước Việt Nam bị lật đổ liên quan vụ bê bối Covid”

Cho dù bằng chứng liên kết giữa Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với các âm mưu tham nhũng liên quan đến Covid-19 là khá mong manh, nhưng nó đã cung cấp cho kẻ thù của ông một lý do phù hợp để giải thích cho việc từ chức, được cho là tự nguyện của ông, vào ngày 17/1.

Trong thông cáo được đưa ra sau phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, không có dấu hiệu nào cho thấy, ông Phúc hay hai Phó Thủ tướng được đánh giá cao, đã bị kẻ thù phe nhóm hạ bệ.

Theo thông cáo, “Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhận trách nhiệm chính trị… với tư cách là Thủ tướng vào thời điểm xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng và 3 bộ trưởng đã để lại hậu quả thực sự nghiêm trọng,… Ông Phúc đã làm đơn xin thôi thực hiện mọi nhiệm vụ được giao… và nghỉ hưu.”

Thông cáo ngày 17/1 cũng nói rằng, 16 thành viên còn lại của Bộ Chính trị ĐCSVN đã đồng ý với đơn từ chức của Phúc, và việc từ chức của ông sẽ được Quốc hội chính thức phê chuẩn.

Ông Nguyễn Phú Trọng

Ông Phúc được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra Trung ương, và ông đã thể hiện xuất sắc vai trò Thư ký nội của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Vài năm sau đó, ông lên chức Phó Thủ tướng Thường trực. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang bắt tay nhau, để buộc ông Dũng phải rời vị trí, ông Phúc đã đứng bên lề cuộc tranh đấu này và được hưởng lợi với chức Thủ tướng, thay thế ông Dũng.

Trên cương vị Thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông Phúc được đánh giá cao. Sau đó, khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13 đến gần, vào tháng 1/2021, ông Phúc muốn cạnh tranh để kế nhiệm ông Trọng, làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Nhưng ông đành phải chấp nhận một vị trí quyền lực yếu là Chủ tịch nước.

Có lẽ vì dám thách thức ông Trọng, nên ông Phúc trong vai trò là Chủ tịch nước, đã phải đối mặt với sự thù địch từ những người thân cận của của Trọng. Thêm vào đó, là áp lực từ phe Bộ Công an, bao gồm người kế nhiệm ông Phúc ở cương vị Thủ tướng – ông Phạm Minh Chính. Bây giờ thì rõ ràng, họ đã tìm cách hạ bệ ông.

Việc buộc các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam phải nghỉ hưu vào đầu tháng này, đã tước đi của ông Phúc những đồng minh quan trọng.

Bằng chứng để ông Phúc bị cách chức, được đồn đoán là từ cháu gái của vợ ông Phúc. Bà này là một nữ doanh nhân giàu có, là cộng sự thân cận của gia đình vợ ông Phúc, là cổ đông lớn của Công ty Cung ứng Y tế Việt Á và do đó có vai trò quan trọng trong vụ “bê bối Việt Á” đã làm rung chuyển cả nước một năm trước. Hai người, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thủy Linh, đã bị bắt vào ngày 4/1, nâng tổng số bị bắt lên 104 người cho đến nay, vì liên quan đến âm mưu của Việt Á, nhằm lũng đoạn thị trường quốc gia cho các xét nghiệm PCR kém chất lượng. Do đó, rất có thể có bàn tay đen tối đứng sau vụ bê bối này, thực chất là những người trong gia đình Phúc, nếu không phải là chính ông Phúc.

Điều này làm tăng thêm sự bất bình tích đã lũy từ nhiều năm, về các thương vụ bất động sản của vợ ông Phúc, và dường như nó thúc đẩy sự đồng thuận của Bộ Chính trị, rằng ông Phúc phải ra đi, nếu không muốn bị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khởi tố, hoặc chính Tổng Bí thư Trọng thay thế.

Người ta tin rằng, ông Phúc đã đồng ý ra đi một cách lặng lẽ, để đổi lấy một lời hứa rằng, ông và những người thân trong gia đình ông sẽ không bị truy tố. Con rể ông Phúc hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam, còn con gái ông được cho là đứng đầu một số doanh nghiệp tư nhân.

 

Hoàng Anh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023