Không khởi tố “thánh vụt gậy”, đúng hay sai?

Công an quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, hôm 9/1 cho biết, cơ quan này đã xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Viết Dũng 6,5 triệu đồng về hành vi dùng gậy golf đánh người. Tuy nhiên, Công an Ngũ Hành Sơn không khởi tố vụ án do “hành vi không cấu thành tội phạm”.

Pháp luật Việt Nam quy định, hành vi cố ý gây thương tích trong trường hợp ít nghiêm trọng, chỉ có thể xử lý hình sự nếu người bị hại có đơn yêu cầu và kết quả giám định có tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên.

Báo đưa tin “Ông Nguyễn Viết Dũng bị phạt 6,5 triệu đồng”

Trong vụ ông Hội đồng đánh người, người bị đánh – chị Nguyễn Ánh Lan – không yêu cầu khởi tố và có đơn bãi nại cả về hình sự và dân sự. Đồng thời, kết quả giám định tỷ lệ thương tích của Trung tâm Pháp Y Đà Nẵng xác định, trường hợp này không có cơ sở để xếp tỷ lệ thương tích.

Như vậy, cả 2 yếu tố để khởi tố hình sự đều không có. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt nhiều nghi vấn xung quanh vụ này.

Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet ngày 11/1, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, tuy trong vụ này không có yếu tố để khởi tố hình sự, nhưng cần làm rõ 2 vấn đề:

  1. Vì sao giám định lại không có kết quả thương tích?
  2. Nạn nhân có bị đe dọa, uy hiếp hoặc lừa dối dẫn đến không gửi đơn hay không? Nếu việc không khởi tố không đúng theo ý chí của nạn nhân, thì không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án.

Như vậy, khi công an tiếp nhận hồ sơ vụ án, cần phải xác minh rõ 2 vấn đề này và cần phải trả lời rõ ràng trước công luận.

Nếu trong quá trình thu thập chứng cứ để xác minh, nếu có căn cứ cho thấy, ông Nguyễn Viết Dũng có hành vi vi phạm pháp luật, thì vẫn có thể xử lý, chứ không chỉ căn cứ vào đơn của bị hại.

“Đà Nẵng: Không khởi tố vụ ông Nguyễn Viết Dũng đánh nhân viên sân golf”

Luật sư Minh Long ở Hà Nội nêu quan điểm với RFA ngày 10/1 rằng, tuy trên phương diện pháp luật, không khởi tố ông Dũng là không sai, nhưng việc ông này chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng và giữ nguyên vai trò đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam là không hợp lý.

Luật sư Minh Long cho rằng,

“Theo chuẩn mực, hành vi đạo đức của một cán bộ thì không thể chấp nhận được. Ông ấy cũng là một đại biểu HĐND và do dân bầu ra, được nhân dân tín nhiệm, nhưng ông ấy lại không thể hiện mình là một con người có đạo đức, có sự tôn trọng dành cho người dân.”

“Tôi cho rằng, việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân của ông ấy cần phải được tiến hành và ông ấy không có đủ tư cách để làm đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân nữa.”

Trước đó, dư luận có thông tin về việc ông Dũng muốn thôi giữ vai trò đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam. Nhưng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam xác nhận với truyền thông rằng, ông Dũng nhưng chưa gửi đơn chính thức, do đó, Thường trực HĐND tỉnh chưa xem xét việc cho ông Dũng thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND.

Cách xử lý của HĐND tỉnh Quảng Nam khiến dư luận nghi ngờ đặt câu hỏi, nếu ông Dũng không nộp đơn, thì HĐND tỉnh Quảng Nam cứ giữ nguyên một người có hành vi không chuẩn mực, vi phạm đạo đức trong HĐND hay sao?

Một bài báo trên trang RFA

Liên hệ với vụ này, FRA đã liệt kê một số vụ cán bộ đánh dân xảy ra trong năm 2022. Cụ thể, ông Đặng Đình Đoàn, Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, ngày 3/5/2022, đã xông vào nhà dân và liên tục tát vào mặt một phụ nữ. Đại úy Trần Xuân Phương, Đội phó Đội Tàng thư căn cước công dân thuộc Công an tỉnh Bình Dương, hôm 11/4/2022, đã cùng một nhóm người tấn công chị H, vì cho rằng chị H đậu xe ô tô chắn lối đi. Chiều 25/9/2022, 4 cảnh sát giao thông tỉnh Sóc Trăng đã dùng dùi cui đánh 2 nam sinh vì cho rằng 2 em này vi phạm luật giao thông rồi bỏ chạy.

Trở lại vụ ông Nguyễn Viết Dũng dùng gậy golf đánh người, nếu công an không làm rõ những vấn đề còn khúc mắc, và HĐND tỉnh Quảng Nam vẫn còn để ông Dũng trong Hội đồng, thì e rằng dư luận vẫn chưa yên.

 

Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023