Việt Nam muốn tinh giản biên chế cần cắt giảm “cấp phó”

Ngày 4/1/2023, trang Tiếng Dân có bài viết với tựa đề “Tại sao Việt Nam có quá nhiều “cấp phó”?” của tác giả Nguyễn Ngọc Chu. Bài viết đề cập đến nguyên nhân tình trạng của các cơ quan, các cấp chính quyền ở Việt Nam đều có quá nhiều cấp phó, những bất lợi của mô hình nhiều cấp phó và những khó khăn gặp phải khi muốn giảm số lượng cấp phó.

Về nguyên nhân của tình trạng nhiều cấp phó, tác giả Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, cơ cấu nhà nước của Việt Nam được tổ chức theo mô hình nhà nước của Liên Xô. Mô hình này chịu sự lãnh đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Chu đăng trên trang Tiếng Dân

Thủ tướng hay Bộ trưởng không chỉ lãnh đạo bằng đường lối, chính sách như trong thể chế dân chủ, mà còn lãnh đạo trực tiếp qua các quyết định tác nghiệp cụ thể, nghĩa là họ đứng ở cương vị chủ sở hữu. Vì vậy, lãnh đạo Việt Nam có vai trò và chức năng khác với các vị trí tương ứng ở các nước thuộc khối Tư bản. Họ phụ trách công việc rộng hơn, nhiều tác nghiệp hơn.

Chính vì lãnh đạo cấp trưởng “ôm” quá nhiều việc, vì muốn “lãnh đạo toàn diện”, vì không muốn chia sẻ quyền lực, nên họ cần nhiều cấp phó để giúp việc, để làm khâu trung gian. Vì cấp phó chỉ là “giúp việc”, nên cấp phó không có thực quyền, mọi quyết định đều phải thông qua cấp trưởng. Cấp phó phải bỏ công sức, trí tuệ để làm việc, còn cấp trưởng lại ra quyết định không dựa trên ý tưởng, biện pháp của mình, nên chắc chắn công việc sẽ không hiệu quả.

Tình trạng lạm phát “cấp phó” được đề cập trên trang báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngoài ra, cấp phó cũng là cái cớ để cấp trưởng rũ bỏ trách nhiệm của mình. Đã rất nhiều vụ, cấp phó thừa lệnh ký thay cấp trưởng, nhưng rồi phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu kỷ luật thay cấp trưởng, trong khi cấp trưởng “vô can”. Tất nhiên, với cơ cấu tổ chức như vậy, thì, tuy lãnh đạo Việt nam có “phạm vi công việc rộng hơn” nhưng không có nghĩa là họ có cách tổ chức khoa học hơn, hay họ làm việc nhiều hơn, giỏi hơn. Mà ngược lại, bộ máy cồng kềnh chỉ gây ra những ách tắc, phiền nhiễu, bất lợi nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là, phải làm sao để tinh giản bộ máy.

Tác giả Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, phải bỏ khâu trung gian là cấp phó, để cấp trưởng tự mình chịu trách nhiệm, đồng thời giao bớt quyền cho cấp trưởng ở bậc dưới. Ví dụ, bộ trưởng giao bớt quyền cho giám đốc sở các tỉnh. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ có một cuộc cách mạng đích thực về tổ chức và nhân sự.

Tuy nhiên, việc loại bỏ cấp phó sẽ gặp rất nhiều sự phản đối. Theo tác giả, phản đối đầu tiên sẽ đến từ cấp trưởng. Vì cấp trưởng không đủ năng lực để tự gánh vác công việc và cũng không muốn chia sẻ quyền lực cho cấp dưới. Họ cần cấp phó để chạy việc cho họ. Phản đối thứ 2 tất nhiên đến từ cấp phó, vì họ sợ mất chức, mất bổng lộc, sợ sẽ bị bố trí công việc không thỏa đáng.

Cũng trong ngày 4/1/2023, trang báo điện tử VNexpress có bài “Ông Võ Văn Thưởng: Nghiên cứu thí điểm cấp trưởng chọn cấp phó”.

Bài trên trang VNexpress

Theo thông tin từ VNexpress, ngày 29/12, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tại Hội nghị này, ông Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư đã nêu chủ trương của Bộ Chính trị, giao cho người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó. Ông Thưởng đề nghị nên thí điểm ở một vài bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp trưởng. Sau 2 năm sẽ đánh giá lại, nếu đơn vị nào không có tiến bộ thì thay luôn cả nhóm, đưa nhóm khác về làm.

Đề xuất mà ông Thưởng đề cập, chưa phải là cắt giảm cấp phó, mà chỉ nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp trưởng.

Trong mong muốn cắt giảm biên chế, Chính phủ Việt Nam đang tính đến việc sáp nhập bộ máy hành chính, bao gồm sáp nhập bộ ngành và sáp nhập địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sáp nhập rồi chia tách trong quá khứ. Mỗi lần nhập hoặc tách là một lần xáo trộn và tốn kém, phí phạm một lượng tài sản khổng lồ. Ví dụ, đợt chia tách tỉnh năm 1990, các cơ quan trực thuộc nhà nước đều tìm cách bán, thanh lý tài sản của cơ quan mình, rồi chia chác nhau. Đến khi thành lập lại cơ quan mới, các cơ quan đó lại phải bỏ tiền mua sắm trang thiết bị lại từ đầu, rất tốn kém. Nhưng việc sáp nhập sẽ không giải quyết được vấn đề tinh giảm biên chế và hiệu quả công việc, vì cách làm vẫn như cũ.

Cắt giảm biên chế và nâng cao chất lượng công việc phải đi bằng con đường khác. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu, đó là, cắt giảm cấp phó và quản lý dựa vào công nghệ. Tất nhiên, quá trình cắt giảm phải tiến hành từ từ, từ 5-6 cấp phó giảm xuống còn 1-2, rồi sau đó chỉ còn 1 hoặc là không có cấp phó.

 

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023