Du lịch Việt gặp khó năm 2022, Chính phủ tìm giải pháp qua hội thảo

Link Video: https://youtu.be/K43v1ON-_Gs

Ngày 29/12, trên trang báo mạng VOA Tiếng Việt có một bài báo tựa đề “Du khách Nga “bỏ” Việt Nam sang Thái, du lịch Việt gặp khó khăn năm 2022”.

Nội dung bài báo cho thấy, từ hồi tháng 3, khi Nga bắt đầu cuộc tấn công xâm lược Ukraine, để “tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra”, hãng hàng không quốc gia VietnamAriline đã tạm dừng các chuyến bay thẳng đến Moskva và các thành phố khác của Nga. Do đó, lượng du khách Nga đến Việt Nam đã giảm đáng kể. Thay vào đó, người Nga đã đến những điểm du lịch khác trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.

Du khách Nga vốn là một trong những thị trường truyền thống của ngành du lịch Việt Nam, nếu để mất thị trường này thì ngành du lịch sẽ mất một nguồn thu rất lớn. Dữ liệu thống kê từ Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho thấy, du khách Nga là nhóm khách chi tiêu khá nhiều so với khách các nước khác. Một khách Nga chi tiêu ở mức trung bình là 1.830USD/lượt, cao hơn so với khách Trung Quốc, vì một khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.021USD/lượt. Khách Nga cũng chi tiêu cao gấp đôi khách Nhật. Cho nên, dù lượng khách Nga không phải là nhiều nhất, nhưng là nguồn khách rất quan trọng.

Hình: Bài báo về du lịch Việt Nam trên VOA

Cũng theo bài báo trên VOA, dữ liệu chính thức mà Việt Nam công bố hôm 29/12 cho thấy, lượng khách Nga đến Việt Nam trong năm 2022 đã giảm gần 94%, chỉ còn 40.000 người, so với 650.000 người vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi đó, lượng khách Nga đến Thái Lan vào tháng 11 đã là 108.985 lượt, gấp đôi so với số lượt đến Việt Nam trong cả năm. Lượng khách Nga đến Thái trong tháng 11 cũng tăng gấp đôi so với tháng 10 và gấp 7 lần so với tháng 9. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của ngành du lịch Thái Lan đối với người Nga đang tăng nhanh.

Ngành du lịch Việt Nam đã đạt đỉnh điểm vào năm 2019, trước đại dịch, thu vào 12 tỷ USD. Nhưng đã không thể phục hồi vào năm 2022, sau đại dịch. Du lịch Việt Nam đã trải qua một năm khó khăn, khi mà chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách, so với 18 triệu lượt vào năm 2019. Có thể là do nhu cầu du lịch toàn cầu đã giảm và do chính sách nhập cảnh của Việt Nam bị cho là hạn chế hơn so với các nước láng giềng. Thị thực nhập cảnh vào Việt Nam bị giới hạn chỉ có 15 ngày, khiến cho du khách e ngại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam giảm sút là do sức hấp dẫn kém, tính cạnh tranh thấp, không đáp ứng được các nhu cầu của du khách, không có gì mới lạ sau bao nhiêu năm phát triển. Du khách chỉ đến một lần vì tò mò, chứ không muốn quay trở lại. Ngành du lịch Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, họ có 3 thách thức lớn, đó là: Chất lượng nhân sự yếu kém; thiếu nguồn cung lao động; và thiếu sản phẩm du lịch. Những thách thức này đã đi cùng ngành du lịch suốt 30 năm qua, kể từ ngày “đổi mới”, nhưng rõ ràng là Chính phủ Việt Nam không khắc phục được bao nhiêu.

Hình: Biểu đồ số lượng khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam năm 2019

Ngày 21/12, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một hội nghị nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan quản lý, các địa phương và doanh nghiệp du lịch tìm giải pháp để giải quyết khó khăn trước mắt, nhanh chóng thu hút khách quốc tế trong mùa cao điểm năm nay, tránh trường hợp “đi trước về sau”. Với yêu cầu này, Thủ tướng đẩy trách nhiệm cho các địa phương và các doanh nghiệp, chứ không thấy đưa ra chiến lược phát triển gì cụ thể để giúp ngành du lịch khởi sắc.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3 triệu người, giảm 81,9% so với năm 2019. Số nhân sự trong ngành này làm đủ thời gian chỉ chiếm khoảng 25% so với trước dịch. Khảo sát các doanh nghiệp lữ hành, chỉ có 44,4% kỳ vọng sẽ đạt mức trước đại dịch vào quý II/2023. Điều này cho thấy, ngay các doanh nghiệp du lịch cũng không tự tin vào khả năng phục hồi sớm, nhất là trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay.

Hình: Thị trường nguồn khách du lịch quốc tế đến một số nước Asean năm 2019

Kim Ngọc – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tô Lâm cùng Nguyễn Văn Nên làm việc với Công an TP. HCM, Sài Gòn sắp “bùm” vụ gì?

>>> “Ngày phán xét” đã lên lịch, 2 thanh củi gộc chờ ngày đốn

>>> Tăng cường biệt phái viên cho các trung tâm đăng kiểm sau khi đóng cửa 9 trung tâm do vi phạm, còn bao nhiêu cây kim chưa lòi ra?

Sau Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, lửa bén sang Bộ Giáo dục. Bộ trưởng, Thứ trưởng đang “run”!


Kasse animation 7.8.2023